"Năm Công tác dân vận của chính quyền" - góp phần tăng cường công tác dân vận trong tình hình hiện nay

Thứ hai, 11/01/2010 15:09

Công tác dân vận của Ðảng nói chung, công tác dân vận của chính quyền nói riêng, luôn được Ðảng và Bác Hồ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Trong bài báo "Dân vận" Bác viết ngày 15-10-1946, Bác đã nói: Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, từ khi ra đời đến nay, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, Ðảng ta luôn luôn coi trọng và lãnh đạo làm tốt công tác dân vận, công tác vận động, phát động, tập hợp quần chúng, nên đã vượt qua mọi khó khăn thử thách đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Ðánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước và ngày nay đang thu được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ mới đang xuất hiện, nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải đổi mới, tăng cường công tác dân vận. Nhất là thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chức năng tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, hoạt động, xử lý điều hành công việc hằng ngày của chính quyền, đang có nhiều việc liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân, nhân dân có nhiều quan tâm cần phải mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tăng cường đổi mới công tác vận động quần chúng. Do vậy, Hội nghị công tác dân vận toàn quốc ngày 16 - 17-2-2008 đã thống nhất lấy năm 2009 là "Năm Công tác dân vận của chính quyền" để chỉ đạo cho Ban Dân vận các cấp tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy Ðảng chỉ đạo các cơ quan chính quyền tăng cường, đẩy mạnh công tác dân vận đáp ứng yêu cầu mới đang đặt ra.

Sau khi có chủ trương, các cấp, các ngành, các địa phương hưởng ứng và thực hiện tích cực. Ðã đề xuất, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho các cơ quan chính quyền các cấp thực hiện; chỉ đạo cho xây dựng kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 18/2000 CT-TTg ngày 21-9-2000 của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường công tác dân vận". Tất cả các tỉnh ủy, thành ủy, Ðảng ủy trực thuộc Trung ương đã có các hình thức văn bản chỉ đạo tăng cường công tác dân vận của các cơ quan chính quyền. Ban Dân vận các cấp đã tích cực phối hợp với chính quyền, các cơ quan có liên quan, hướng dẫn và nghiên cứu tham mưu cho cấp ủy.

Công tác dân vận của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc động viên, phát động quần chúng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của đất nước trong năm 2009.

Qua tổ chức thực hiện, nhận thức, về trách nhiệm công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức; nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Thái độ tôn trọng dân, dân chủ, công khai với nhân dân; tinh thần tiếp dân và ý thức giải quyết công việc, tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe ý kiến nhân dân được thể hiện rõ hơn; kỹ năng và nghiệp vụ làm công tác dân vận được quan tâm bồi dưỡng và quy định cụ thể trong quy chế dân chủ ở cơ sở, trong quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức. Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy đã coi trọng việc kết hợp UBND bố trí kinh phí, mở các lớp tập huấn về công tác dân vận cho cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở. Một số tỉnh còn tổ chức các lớp cho cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở, cán bộ cấp phòng thuộc các cơ quan cấp tỉnh, cán bộ các ngành cấp huyện. Một số Trường chính trị tỉnh đã củng cố lại khoa dân vận và bổ sung chương trình đào tạo về công tác dân vận cho cán bộ nói chung, trong đó chú trọng cho cán bộ chính quyền ở các cấp.

Thời gian qua, nhiều bộ, ngành, UBND các cấp chỉ đạo rà soát lại các cơ chế chính sách, bổ sung, xây dựng cho phù hợp, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Nhất là những chính sách về: giá cả giải tỏa đền bù, thu hồi đất tái định cư; chính sách xóa đói, giảm nghèo, vùng sâu, vùng xa; chính sách cứu trợ bão lụt; chính sách xóa nhà tạm... Trong quá trình soạn thảo đã chú ý tổ chức tranh thủ lấy ý kiến của nhân dân, nhất là những chính sách nhân dân có nhiều quan tâm. Ðã có một số bộ thiết lập cổng điện tử, Bộ trưởng, Thứ trưởng tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân về những lĩnh vực của bộ, ngành mình phụ trách. Có một số tỉnh đã quy định thành quy chế về công tác dân vận trong công tác triển khai dự án, trong giải tỏa đền bù; có tỉnh còn bố trí Ban Dân vận thành cơ cấu tham gia bàn bạc, thẩm định các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tham gia ý kiến bảo đảm cho công tác dân vận trong quyết định, triển khai thực hiện dự án được tốt hơn. Nhiều cấp ủy tỉnh, thành phố đã đưa vào chương trình kiểm tra của cấp ủy, tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, kiểm tra các hoạt động, quản lý, triển khai tổ chức thực hiện của chính quyền có liên quan nhiều đến quyền lợi của nhân dân, được nhân dân quan tâm. Chính phủ, UBND các cấp đã chủ động phối hợp MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị trong việc phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia vào việc chống lạm phát, suy thoái kinh tế và nhiều phong trào thi đua khác.

Thực hiện chương trình cải cách hành chính, Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền rà soát và công bố công khai bộ thủ tục hành chính của Chính phủ và các địa phương. Nhiều bộ, ngành và các cơ quan của Nhà nước, chính quyền ở các cấp đã gắn việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với cải cách hành chính: Quy định thành quy chế công khai, dân chủ các lĩnh vực công tác của cơ quan; nhất là các quy định về công khai tài chính, dân chủ trong công tác đánh giá, quy hoạch đào tạo, đề bạt cán bộ và quy chế chức danh công chức, quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức cơ quan. Một số cơ quan đã chú trọng xây dựng lề lối, phong cách, nguyên tắc làm việc theo tiêu chuẩn ISO và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ chế một cửa hiện đại liên thông để tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch của nhân dân với chính quyền.

Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo hưởng ứng, thực hiện phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình Dân vận khéo của Ban Dân vận T.Ư phát động với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Một số địa phương đã biên soạn và phát hành hàng nghìn văn bản về nội dung, mẫu đăng ký, tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá, xếp loại danh hiệu thi đua tập thể, cá nhân về thực hiện công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo". Nhân ngày Dân vận toàn quốc năm 2009 (15-10) và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ viết bài báo "Dân vận", nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức ôn lại, tọa đàm về bài báo "Dân vận"; tọa đàm về công tác dân vận của chính quyền và xây dựng mô hình, điển hình dân vận khéo. Một số tỉnh đã chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết biểu dương từ cơ sở lên đến tỉnh.

Ban Dân vận T.Ư đã phối hợp Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), Bộ Công an, ký chương trình phối hợp hoạt động về công tác dân vận. Bộ Quốc phòng triển khai đến tất cả các đầu mối trực thuộc bộ. Bộ Công an đã chỉ đạo toàn ngành tiến hành ký kết và thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp Ban Dân vận và Mặt trận, các đoàn thể. Thông qua thực hiện quy chế phối hợp, công tác dân vận trong quân đội và công an có sự kết hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận của chính quyền cũng còn những hạn chế, yếu kém, những vấn đề đặt ra cần sớm được khắc phục như: Không ít nơi các đồng chí lãnh đạo và công chức nhà nước chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của công tác dân vận và trách nhiệm của mình phải làm công tác dân vận, thậm chí còn nhận thức sai lệch cho rằng công tác dân vận là của Ban Dân vận và MTTQ, các đoàn thể. Năng lực về thực hành dân chủ và làm công tác dân vận, nhìn chung còn nhiều hạn chế. Kiến thức về công tác dân vận, kỹ năng, thói quen làm công tác dân vận chưa được coi là nghiệp vụ, kỹ năng công tác của mọi cán bộ Ðảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp, nên chưa được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, đầy đủ theo yêu cầu rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp công tác cho cán bộ. Việc phân công lãnh đạo, người tham gia Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở, theo dõi công tác dân vận ở phần lớn các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, các sở, ngành ở địa phương chưa được quan tâm kiện toàn và chỉ đạo đi vào hoạt động nền nếp. Một số Ban Dân vận cấp tỉnh, huyện chưa nắm chắc nội dung, lúng túng trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy.

Chủ trương lấy năm 2009 là "Năm Công tác dân vận của chính quyền" là chủ trương đúng đắn của Ban Dân vận T.Ư được các cấp, các ngành ủng hộ và tích cực thực hiện, bước đầu đã có hiệu quả thiết thực góp phần tăng cường công tác dân vận của các cơ quan chính quyền. Ðồng thời cũng góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu tham mưu về công tác dân vận của Ban Dân vận các cấp. Tuy nhiên cần phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổng kết rút kinh nghiệm, kiểm tra đôn đốc, thúc đẩy thường xuyên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực