Nâng chất lượng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương

Thứ hai, 24/02/2020 17:06
(ĐCSVN) - Việc quy định lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương với những nội dung mới đã nâng tầm vị trí, vai trò của cơ quan này trong công tác tham mưu, hướng dẫn về sức khỏe cán bộ...

Ngày 15/4/2014 của Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Quyết định số 242-QĐ/TW, “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương”. Qua hơn 05 năm triển khai thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã cơ bản đảm bảo được nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cán bộ, đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, phục vụ tốt cho công tác xây dựng Đảng nói chung, sức khỏe cán bộ nói riêng.

Trong hoạt động của mình, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã tham mưu, đề xuất giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chủ trương, giải pháp và chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đối với cán bộ; hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan chức năng, các đơn vị trong hệ thống bảo vệ sức khỏe từ Trung ương đến địa phương góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thẩm định, kết luận về tình trạng sức khỏe đối với cán bộ cấp cao; mở rộng hợp tác y tế đối với các nước có nền y tế hiện đại trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Cơ cấu các hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã quy tụ được đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế của cả nước; chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên.

leftcenterrightdel
Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ năm 2020. (Ảnh: Vietnam+) 

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ mới trong công tác cán bộ của Đảng giai đoạn hiện nay, hoạt động của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương theo Quy định 242-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XI đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc cần phải bổ sung, điều chỉnh kịp thời để nâng cao chất lượng hoạt động; trong đó, nổi bật là các hạn chế như: Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ chưa được coi trọng đúng mức ở các cấp. (2) Việc tuyên truyền, tư vấn, cung cấp kiến thức dự phòng, hướng dẫn kỹ thuật về khám sàng lọc, kiểm tra phát hiện bệnh sớm để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cán bộ và việc tự giác chăm sóc sức khỏe của cán bộ còn hạn chế, chỉ khi bị bệnh mới đi khám. Công tác chuẩn bị để đảm bảo cho các đoàn cán bộ chủ chốt khi đi công tác ở trong nước và nước ngoài chưa được chu đáo. Việc phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ chưa chặt chẽ; ứng dụng công nghệ thông tin và công tác đào tạo cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn trong nước, ngoài nước cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn chưa được chú trọng. Văn phòng tham mưu, giúp việc Ban số lượng biên chế được giao 20 biên chế (năm 2014) đến nay chưa được bổ sung, dẫn đến tình trạng quá tải, một số nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ đột xuất chưa thực hiện kịp thời. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu  nhiệm vụ. Chưa có cơ chế tài chính đặc thù trong thanh toán khám chữa bệnh nói chung, bảo hiểm y tế nói riêng và chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ chưa được quan tâm đúng mức; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác chưa được bổ sung đầy đủ, kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nhân lực của hệ thống bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ còn thiếu, chưa ổn định, cán bộ chưa yên tâm công tác, chưa thu hút được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi. Chưa có cơ chế tài chính cũng như chính sách đặc thù đối với đối với cán bộ diện quản lý và đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Thiếu các quy định, quy chế trong việc phối hợp, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Lĩnh vực dự phòng, nâng cao sức khỏe chưa được quan tâm. Thực hiện chế độ nghỉ ngơi của một số cán bộ cấp cao chưa bảo đảm. 

Để kịp thời khắc phục những hạn chế và nguyên nhân nêu trên trên cơ sở: Tuân thủ Điều lệ Đảng; cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 18-NQ/TW  đã đề ra đối với việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; nâng chất lượng bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ các cấp ngày một tốt hơn; kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quyết định 242-QĐ/TW; bổ sung những nội dung chưa có trong Quyết định nhưng thực tiễn đặt ra là cần thiết; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Quyết định số 215-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương với những nội dung mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, khẳng định vai trò, vị thế, tăng tính chuyên nghiệp, chuyên sâu; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ, quy định mới nêu: “Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên theo dõi, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cán bộ theo phân cấp”.

Thứ hai, Quy định cụ thể hơn và bổ sung thêm nhiệm vụ cho Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương được: (1). Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất chủ trương, chính sách và giải pháp về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (cả đương chức và nguyên chức) (2). Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe: Tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe và dự phòng; lập, quản lý hồ sơ sức khỏe, kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh sớm; kiểm tra sức khỏe cán bộ quy hoạch cấp chiến lược; điều trị tích cực bệnh lý, phục hồi chức năng, điều dưỡng kết hợp với điều trị bệnh lý và thực hiện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. (3). Chủ trì thực hiện chế độ khám, kiểm tra sức khỏe, kết luận, phân loại sức khỏe trong kiểm tra sức khỏe định kỳ, trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý và nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương. Là đầu mối thống nhất quản lý sức khỏe, thông tin sức khỏe, quản lý hồ sơ sức khỏe đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ở các cơ sở khám chữa bệnh trong nước, ngoài nước. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng chuyên môn về tình trạng sức khỏe cán bộ; về chẩn đoán, điều trị bệnh lý, chỉ đạo tập trung các nguồn lực kỹ thuật cao để điều trị đối với cán bộ thuộc diện quản lý tại các cơ sở trong nước; báo cáo, trình Ban Bí thư hoặc Thường trực Ban Bí thư quyết định về việc gửi đi nước ngoài khám, chữa bệnh khi cần thiết… (4). Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan huy động mọi nguồn lực để thực hiện tình huống cấp cứu cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xây dựng phương án đảm bảo y tế đối với các đồng chí cán bộ chủ chốt khi đi công tác trong và ngoài nước. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các Bệnh viện; các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cán bộ cấp cao. Thẩm định, phê duyệt, quy định trách nhiệm đối với đội ngũ bác sĩ tiếp cận chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước trên cơ sở đề xuất của các bệnh viện. (5). Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong hệ thống bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ để cung cấp kiến thức cho cán bộ diện quản lý từ Trung ương đến địa phương về chăm sóc, nâng cao sức khỏe, dự phòng; phát hiện sớm bệnh tật, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ và điều dưỡng. (6). Thực hiện công tác hợp tác quốc tế về đào tạo, chẩn đoán, điều trị bệnh, nghiên cứu khoa học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. (7). Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ sở, đơn vị y tế làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. (8) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và y đức đối với bác sĩ tiếp cận, điều dưỡng và cán bộ y tế trong hệ thống bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ từ Trung ương đến địa phương... (9). Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Thứ ba, bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương để tăng thẩm quyền và tính chủ động cho Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương trong triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới:

- Về quyền hạn: Được yêu cầu các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền các tỉnh, thành phố có liên quan đáp ứng nguồn lực theo yêu cầu, nhiệm vụ trong một số tình huống khẩn cấp đối với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thông báo cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý định kỳ khám, kiểm tra sức khỏe toàn diện và thực hiện các quy định về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh trong nước, ngoài nước và các cá nhân liên quan báo cáo, thông tin kịp thời, chính xác tình hình sức khỏe, kết quả khám chữa bệnh của cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý.

- Về trách nhiệm: Theo dõi sát tình hình sức khỏe; việc thực hiện bảo vệ, chăm sóc và điều trị bệnh lý đối với cán bộ được giao quản lý theo quy định.  Kịp thời báo cáo với Thường trực Ban Bí thư và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương về tình trạng sức khỏe, bệnh lý và khả năng sức khỏe đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cán bộ…

Thứ tư, về tổ chức bộ máy: Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ; trong điều phối đáp ứng tình trạng khẩn cấp về y tế, về chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị bệnh; nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin; hợp tác và hội nhập quốc tế, bổ sung thêm các thành viên của Ban ở các cơ quan Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội…

Có thể đánh giá: Việc quy định lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương với những nội dung mới như trên đã nâng tầm vị trí, vai trò của của cơ quan này trong công tác tham mưu, hướng dẫn về sức khỏe cán bộ. Những quy định mới có tính pháp lý cao thể hiện trong Quyết định số 215-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư khóa XII là cơ sở để Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương phát huy tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đáp ứng yêu cầu mới về công tác cán bộ./.

 
Nguyễn Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực