Nghệ An: Giảm 3 chi cục và 17 phòng cấp sở, ngành

Thứ hai, 11/03/2019 17:27
(ĐCSVN) – Đó là số liệu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết Trung ương khóa XII về công tác tổ chức xây dựng đảng diễn ra ngày 10/3.
Hình ảnh tại buổi làm việc. (Ảnh: Quốc Khánh)

Đoàn công tác do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương.

Về phía lãnh đạo tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy đã báo cáo với đồng chí Phạm Minh Chính và đoàn công tác kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và triển khai các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng đảng.

Về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2018, Nghệ An đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 8,0%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 218 xã (50,58%) đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách 3 năm 2016-2019 đạt 38.370 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2018 đạt 13.985 tỷ đồng.

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng tập trung cao độ cho việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng đảng. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã nghiêm túc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tỉnh đã xác định 12 nhiệm vụ thực hiện ngay và thường xuyên, 10 nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sau, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tỉnh ủy đã đề ra 43 việc cần làm ngay, 6 việc làm thí điểm, 12 việc thực hiện theo kế hoạch và hướng dẫn của Trung ương, đồng thời lựa chọn 12 đơn vị làm điểm để triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của Nghị quyết. Đến nay có 46/61 nội dung, phần việc được triển khai thực hiện. 21/21 huyện, thành, thị trên toàn tỉnh đã thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị; 4/21 đơn vị thực hiện trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc (năm 2019 thực hiện 9 huyện, năm 2020 sẽ thực hiện các đơn vị còn lại).

Qua sắp xếp, toàn tỉnh đã giảm được 3 chi cục và 12 phòng chuyên môn thuộc sở, ngành; 5 phòng thuộc khối cơ quan đảng. Theo kế hoạch đến năm 2021, số phòng và tương đương giảm 97 phòng…

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tổng số đơn vị trên địa bàn tỉnh là 1.884 đơn vị. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), tỉnh đã tập trung chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Giáo dục, Y tế, LĐ-TB&XH; NN&PTNT. Kết quả, đến nay đã giảm được 3 chi cục, 25 đơn vị sự nghiệp công lập; 23 đơn vị chuyển sang cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên, trong đó ngành Y tế có 17 đơn vị. Có 1.794/1884 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, hiện nay tỉnh đã xây dựng đề án sáp nhập 20 xã đạt dưới 50% cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số thuộc 8 huyện. Dự kiến đến năm 2021 toàn tỉnh sẽ sáp nhập 2.326 khối, xóm, bản.

Về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị cấp xã, dự kiến sẽ giảm 3.744 người; khối, thôn, xóm, bản giảm 31.185 người.

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh báo cáo với đoàn công tác kết quả thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Quốc Khánh)

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và công tác tổ chức xây dựng đảng trong thời gian qua. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh năm sau cao hơn năm trước; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tăng liên tục trong 3 năm, trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Bắc miền Trung về chỉ số cạnh tranh. Nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn bắt đầu quan tâm đến Nghệ An.

Trong công tác xây dựng đảng, tỉnh đã coi trọng việc quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai nghị quyết mang lại hiệu quả tích cực. Bám sát định hướng của Trung ương, công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo vì mục tiêu phát triển chung. Đặc biệt, tỷ lệ sai phạm trong cán bộ qua kiểm tra cho thấy thấp hơn so với mức bình quân cả nước.

Là địa bàn có phức tạp về địa hình, có đường biên giới dài, cơ cấu dân tộc, tôn giáo không thuần nhất nhưng nhờ các giải pháp đồng bộ tỉnh đã bảo đảm tốt công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Có được kết quả này nhờ sự tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số hạn chế mà tỉnh Nghệ An cần khắc phục. Đó là sự phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là trong điều kiện tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, dân số đứng thứ tư và có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, giàu bản sắc. Thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An mới đạt 38 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Công tác thu - chi ngân sách còn có khoảng cách lớn. Chỉ số cải cách hành chính đứng 31/63 tỉnh, thành. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Qua theo dõi, kiểm tra thực tế, đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng khi triển khai xuống cơ sở còn bị động, lúng túng, chưa có giải pháp và cách làm phù hợp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao so với yêu cầu phát triển vẫn còn khoảng cách, số lượng cán bộ có trình độ đáp ứng yêu cầu hiện nay vẫn còn hạn chế.

Chỉ đạo định hướng phát triển của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới, đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý, tỉnh cần chuẩn bị tốt cho việc tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020. Cần xem xét, đánh giá lại các mục tiêu, chỉ tiêu và có giải pháp tốt nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết này.

“Phải định vị lại giá trị Nghệ An trong tương quan so sánh với các địa phương trong nước và quốc tế” - đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh và yêu cầu tỉnh tìm và xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để đầu tư cho công tác quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, tạo đột phá. Tinh thần phát triển của Nghệ An là tự lực tự cường, đổi mới sáng tạo là chính, nguồn lực bên ngoài chỉ mang tính hỗ trợ tạo cú hích; phát huy tối đa lợi thế con người, yếu tố tự nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Đây chính là 3 trụ cột để Nghệ An tạo nên sự bứt phá./.

Khánh Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực