Người phụ nữ có công lưu giữ văn hóa dân tộc Bố Y

Thứ ba, 22/03/2016 14:54
(ĐCSVN) – Là một tấm gương làm kinh tế giỏi và có công tuyên truyền, lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc Bố Y, chị Lồ Lài Sửu ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, Lào Cai vinh dự là nghệ nhân dân gian được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh và là đại biểu chính thức dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

 

Chị Lồ Lài Sửu báo cáo tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lào Cai năm 2015.
(Ảnh: Báo Lào Cai)

Gương mẫu tuyên truyền giữ gìn văn hóa truyền thống 

Ngay từ nhỏ chị Sửu đã được sống trong môi trường văn hóa truyền thống, chị đã đam mê những bài hát, câu hát vì nội dung rất sâu sắc và ý nghĩa, hơn nữa cả giai điệu và lời hát chan chứa tình người, tình yêu thương, quê hương đất nước.

Thông qua những lần giao lưu văn hóa văn nghệ được tổ chức tại xã, chị ngày càng thấy yêu thích vốn dân ca, dân vũ truyền thống. Từ năm 1995, chị bắt đầu học hỏi và sưu tầm những bài ca dao dân ca của dân tộc Tu Dí (Bố Y), đồng thời chị sưu tầm và sáng tác những bài ca dao dân ca, những làn điệu múa dân gian truyền thống.

Chị học hát dân ca từ các cụ ông, cụ bà ở trong thôn và học hỏi thêm được những bài hát từ các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao để làm giàu thêm vốn bài hát. Đồng thời, chị cũng tìm hiểu thêm về các phong tục tập quán, các tri thức dân gian để làm giàu thêm kiến thức cho bản thân.

Theo đuổi niềm đam mê, chị đã sưu tầm và học hỏi những bài hát dân ca Bố Y như các bài hát ru con, các bài hát đồng dao, giao duyên đối đáp nam nữ từ những người cao tuổi trong thôn, xã. Do có sẵn vốn văn nghệ và được nhiều người trong thôn, xã và cả những thôn, xã khác biết đến, chị thường xuyên được xã cử tham gia giao lưu tại các chương trình văn nghệ thể thao của xã, của huyện. Chị còn thường xuyên truyền dạy cho các chị em, các cháu học sinh là dân tộc Bố Y ở trong thôn những bài hát dân ca của dân tộc mình. Chị đã truyền dạy cho 13 chị em và 12 em học sinh biết hát và múa các điệu múa truyền thống dân tộc Bố Y.

Không chỉ hát được các làn điệu dân ca dân tộc mà chị còn sáng tác thêm những bài hát, ca dao, dân ca và những điệu múa dân ca gắn với những phong tục tập quán của dân tộc mình. Hiện nay, Chị Lồ Lài Sửu hát được các bài hát Dân ca Bố Y, khoảng 60 bài phổ thông nhất từ xưa đến nay như: Hát núi, hát hoa, hát với cô tiên, hát mở con mương, hát cảm tạ trâu thần, hát giao duyên 12 tháng (gồm 12 bài) tháng giêng, tháng hai đến tháng 12. Chị cũng tự sáng tác lời mới dân ca Bố Y và các điệu múa dân gian được 15 bài như Bài hát múa Mừng Đảng, Bài hát múa mừng ông trăng, bài hát múa đoàn kết dân tộc, bài hát múa trò chơi cờ, trò đan chân, bài hát trồng cây thuốc thơm, bài hát nhớ ơn Đảng và Bác Hồ…

Trong quá trình học tập và sưu tầm văn hóa văn nghệ, các bài hát dân ca, chị đã kết hợp với các ban ngành đoàn thể của thôn cũng như ở xã tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn nghệ tại thôn, và đi tham gia biểu diễn văn nghệ thể thao tại huyện cũng như đi cùng đoàn văn nghệ, thể thao của xã đi tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ (Giao lưu cụm) tại các xã như xã Bản Xen, xã Bản Lầu, xã Lùng Vai huyện Mường Khương.

Mặt khác chị tham gia làm cộng tác viên cho Sở Văn hóa từ những năm 2004 đến nay, chị thường xuyên cung cấp các thông tin về phong tục tập quán, lễ hội, lễ tết và các phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực, tri thức canh tác nông nghiệp, lễ ma khô, đám cưới, bài thuốc dân gian của người Bố Y cho các cán bộ nghiên cứu của Sở và các viện nghiên cứu ở Hà Nội (Vụ Văn hóa dân tộc- Bộ VHTTDL)...

Trong đó đặc biệt phải kể đến việc Phục dựng và bảo tồn lễ tết hội “Tết mồng 8 tháng 4”; Lễ tạ ơn trâu của người Bố Y năm 2013 để quay phim, chụp ảnh, cung cấp thông tin cho cán bộ viết báo cáo chuyên đề.

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Bên cạnh việc giữ gìn những bản sắc văn hóa dân tộc, gia đình, bản thân chị luôn gương mẫu và thực hiện tốt chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua, nhất là phong trào phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi kinh tế cây trồng vật nuôi.

Từng trải qua những ngày vất vả chạy cơm từng bữa, chị Sửu và chồng đã chịu thương, chịu khó đi học hỏi kinh nghiệm, đầu tư giống lúa, ngô mới năng suất cao. Trên những dẻo đất ven đồi, chị mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác mới, chuyển sang trồng quýt, mía xương gà. Để có được chỗ trồng cây theo hàng lối và dễ đi, “cả gia đình tôi đã phải lao động quần quật nhiều tháng, dần dần hình thành được vườn quýt, mía đẹp mắt và ưng ý” – chị Sửa chia sẻ.

Những nỗ lực của gia đình người nông dân cần cù đã được đền đáp khi vườn quýt cho sản lượng cao, giống ngô lai mới thu hoạch tốt hơn giống cũ. Thu nhập cao hơn, gia đình chị chẳng những đủ ăn mà có tiền mua trâu, ngựa, lợn thịt và gia cầm về chăn nuôi để tăng thêm thu nhập.

 

Chị Lồ Lài Sửu trong ngày nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2014. (Ảnh: NVCC)

Chị Sửu cho biết, hàng năm gia đình thu nhập từ ngô lai trừ chi phí thu được hơn 80 triệu đồng; thu nhập từ 0,8 ha mía trừ chi phí mỗi năm thu về 90 triệu đồng, ngoài ra còn có thu nhập từ trồng được 0,5 ha chè và nuôi ngựa và còn kinh doanh vận tải hàng hóa, kinh doanh thu mua và bán nông sản của bà con nhân dân, cung ứng phân bón cho nhân dân. Mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng ở vùng đất vốn khô cằn và nghèo nàn ấy là cả một kỳ tích của gia đình chị Sửu. Chị được nhân dân trong vùng bầu chọn là hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Cụ thể, gia đình chị là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 05 năm liên tục, từ năm 2014 đến nay là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Đời sống được cải thiện, gia đình chị Sửu đã xây dựng được nhà cửa khang trang, có đầy đủ tiện nghi hơn trước, niềm tin vào phương thức canh tác mới được củng cố. Chị Sửu đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cho bà con nhân dân vay vốn sản xuất không lấy lãi, mỗi năm gia đình cho bà con hàng xóm vay vốn khoảng 20 đến 30 triệu đồng và cho bà con nhân dân vay phân bón vào sản xuất kinh tế, từ đó đời sống bà con nhân dân từng bước được nâng cao và được quần chúng nhân dân tin cậy.

Song song với làm nông nghiệp, gia đình chị Sửu còn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương như phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt nhất chính là những phong trào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Với những nỗ lực và sự nhiệt tình, năng động của mình, chị Lồ Lài Sửu đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Năm 2013, chị được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cũng trong năm 2013, chị được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu phụ nữ xuất sắc toàn quốc trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” nhiệm kỳ 2002 -2007. Ngoài ra chị còn được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian…/.

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực