Nở rộ những bông hoa đẹp trong các phong trào thi đua yêu nước

Thứ hai, 07/12/2015 15:57

(ĐCSVN) - Trong 5 năm qua, từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, nhiều điển hình tiến tiến trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Đó thực sự là những người yêu nước như Bác Hồ từng nói “thi đua là yêu nước”.

Tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX, có 1.800 đại biểu là những điển hình tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực; những Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; những nhà giáo, thầy thuôc, nghệ sĩ, nghệ nhân (Nhân dân, Ưu tú); những Chiến sĩ thi đua toàn quốc, đại diện các tập thể, cá nhân được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước được Đảng và Nhà nước khen thưởng trong 5 năm qua. Đây là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền của Tổ quốc, đang hàng ngày miệt mài nghiên cứu, công tác, học tập, lao động sản xuất, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu cho phẩm chất anh hùng, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

                                                                   Những huyện nông thôn mới đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ biểu dương. Ảnh: HH

Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng, có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đó là sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như: Công ty thăm dò và khai thác dầu khí, Viện Dầu khí, Xí nghiệp khai thác thuộc Liên doanh dầu khí Vietsovpetro.. Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam; Công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội. Ông Nguyễn Thể Trinh, Chỉ huy lắp máy Nhà máy thủy điện Sơn La, với các giải pháp thi công sáng tạo, hiệu quả, đã chỉ đạo lắp đặt thành công trên 60.000 tấn thiết bị, góp phần đưa Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành trước kế hoạch. Anh Nguyễn Trọng Thái, Tổ trưởng Tổ sản xuất, Công ty cổ phần Than Hà Lầm, hơn 17 năm đã cùng tổ thợ đào lò duy trì năng suất cao nhất và ít sự cố nhất của đơn vị, là người đầu tiên đặt chân xuống độ khai thác sâu nhất của ngành than và được chọn mẫu chân để đúc bước chân thợ mỏ ở độ sâu 300m. Mô hình Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), giải quyết việc làm cho 30 lao động nữ, góp phần bảo tồn nghề dệt truyền thống...

Trong lĩnh vực nông nghiệp, với đức tính cần cù, chịu khó, thông minh sáng tạo, nhiều hộ nông dân trong cả nước đã xây dựng được những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, sáng tạo, áp dụng kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi đạt năng suất và hiệu quả cao. Tiêu biểu như: ông Trần Văn Tuyên (tỉnh Hòa Bình) xây dựng thành công mô hình trồng cây có múi, năm 2014 thu hoạch 280 tấn cam quýt thu nhập gần 8 tỷ đồng; ông Nguyễn Đăng Cương (tỉnh Băc Ninh), với mô hình “lúa - cá – vịt trời”, đã thuần hóa thành công vịt trời thành vịt thương phẩm, lợi nhuận bình quân hàng năm từ 5-6 tỷ đồng; ông Dương Văn Hùng (tỉnh Bạc Liêu), là người tiên phong nghiên cứu và sản xuất tôm giống với quy trình khép kín, với trên 700 hộ tham gia trên diện tích 600ha và thành công với tỷ lệ 70%; ông Lê Văn Xê (tỉnh Bình Dương) phát triển mô hình trang trại có giá trị kinh tế cao, lợi nhuận hàng năm đạt hơn 10 tỷ đồng; ông Hà Tấn Tâm (thành phố Cần Thơ) với mô hình kinh tế vườn, ao, dịch vụ vận tải đường thủy kết hợp, thu nhập hàng năm từ 12 đến 15 tỷ đồng; ông Ngô Công Đoan (tỉnh Gia Lai) là người cựu chiến binh xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại ở Tây Nguyên, doanh thu hàng năm từ 9 đến 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho người lao động, tích cực hỗ trợ người nghèo, xây nhà tình thương và tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân, giúp cựu chiến binh Campuchia phát triến kinh tế hiệu quả...

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong học tập, nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe và phục vụ nhân dân. Những đơn vị tiêu biểu về chất lượng giáo dục - đào tạo như: Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Y dược Huế, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình), Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai), Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Thành phố Hà Nội)... Em Ngô Phi Long, học sinh trường THPT chuyên Sơn La đã giành 03 huy chương Vàng và 01 huy chương Bạc tại các cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế và Châu Á. Tập thể cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Bộ Quốc phòng); ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu Trung ương đã trực tiếp đề xuất và triển khai thành công các kỳ “Lễ hội Xuân Hồng”; bà Nguyễn Nữ Hoài Vi, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ); họa sĩ Đặng Thị Ái Việt, trong hơn 05 năm đã đi qua khắp mọi miền đất nước để vẽ chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng; vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên đã mang lại niềm tự hào cho thể thao nước nhà với 08 Huy chương Vàng, lập 8 kỷ lục, trở thành một trong những vận động viên tiêu biểu nhất tại Đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á lần thứ 28. Em Nguyễn Duy Thanh, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là thí sinh đầu tiên của Việt Nam giành huy chương tại kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43...

Với tinh thần học hỏi, cầu tiến, không ngừng hướng tới đỉnh cao khoa học - công nghệ, nhiều tập thể, cá nhân đã ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội bằng sự lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã nghiên cứu thành công nhiều công trình, dự án quôc phòng, an ninh và sản xuất kinh doanh, trở thành tập đoàn viễn thông có uy tín hàng đầu trong nước và quốc tế; Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), đã đổi mới tư duy quản lý, sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh; ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã nghiên cứu thành công giống lúa thơm, trở thành giống lúa chủ lực trong nhóm lúa thơm xuất khẩu, tăng thu nhập cho người nông dân với mức thu 60 triệu/ha; ông Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, tuy đã trên 80 tuổi, nhưng vẫn say mê nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm tinh dầu trầu không chữa bệnh “chân, tay, miệng” cho trẻ em; ông Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế là người trực tiếp chỉ đạo thành công ca phẫu thuật ghép tim đầu tiên tại Việt Nam mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài; bà Nguyền Thu Hà, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhiều năm nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học an toàn, cải tạo các vùng đất bạc màu, giúp tăng năng suất cây trồng và tăng thu nhập từ 2,5-10 triệu đồng/ha/năm; anh Lê Xuân Anh, nông dân trẻ ở xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu đã nghiên cứu ra chế phẩm vi sinh Ta-pondpro để xử lý cải tạo môi trường…


Nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh

Với ý chí tự lực, tự cường, không chùn bước trước khó khăn thử thách, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến đã bền bỉ, phấn đấu vươn lên thành công trong cuộc sống cũng như công tác. Thượng tá Mê Văn Đạt, cán bộ Đồn biên phòng Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, từ năm 2008 đến nay được tăng cường đảm nhiệm chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch xã Đàm Thủy, với phẩm chất người lính Cụ Hồ miệng nói, tay làm, đã thành công trong việc xóa xóm trắng về chi bộ đảng, đưa Đàm Thủy từ xã khó khăn trở thành xã có thu nhập trung bình.

Ông Đoàn Minh Chiến, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, là thương binh hạng 2/4 bị phơi nhiễm chất độc da cam, nhưng với ý chí của người thương binh tàn nhưng không phế, đã khai hoang, phục hóa vùng đất trống đồi trọc, bị bom đạn tàn phá trở thành trang trại diện tích 54 ha, doanh thu từ 2-3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động, giúp đỡ đất sản xuất và con giống cho 20 hộ nông dân.

 anh Võ Đại Nghĩa, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, lớn lên trên miền quê nghèo bãi ngang cát trắng ven biển, khí hậu khắc nghiệt, nhưng với ý chí khát vọng vươn lên làm giàu đã triển khai thực hiện thành công mô hình sản xuất trên vùng đất cát, hình thành trang trại với diện tích 42ha, doanh thu hàng năm từ 35 - 40 tỷ đồng;.

Ông Đào Viết Thoàn, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, thương binh hạng 1/4, đã vượt qua bệnh tật, phát triển phương thuốc chữa bỏng, chữa trị thành công cho hạng vạn người.

 chị Vũ Thị Ánh Nguyệt, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là một phụ nữ cCng giáo khuyết tật, có nhiều sáng tạo trong thiết kế các mẫu tranh độc đáo, trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Anh Nguyễn Tấn Đạt, công nhân Công ty truyền tải Điện 4 trưởng thành từ một người thợ học việc với sự cần cù, chịu khó đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến trong công tác, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng, giúp cho công việc của anh em công nhân nhẹ nhàng hơn mà không hẳn kỹ sư nào cũng làm được...   

Nở rộ những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua. Ảnh: HH

Ngời sáng những tấm lòng nhân ái, yêu nước

Bằng tấm lòng nhân ái, nhiều tập thể, cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, cụ thể đóng góp công sức, tiền của để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo, đồng thời làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, lo học tập, chữa bệnh cho người nghèo và tích cực tham gia các công tác xã hội, từ thiện đáng được tuyên dương... Trong 5 năm qua, đã có hàng ngàn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp xây dựng “Quỹ đền ơn, đáp nghĩa”, “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ chất độc da cam”, “Quỷ bảo trợ trẻ em”, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào “Xây dựng nhà đại đoàn kết”, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”:., góp phần thực hiện các chính sách xã hội. Nhiều tấm gương tập thể cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tuyên dương nhân rộng như: Tấm gương em Nguyễn Văn Nam, Trường Trung học Phổ thông Đô Lương 1, tỉnh Nghệ An, hy sinh thân mình để cứu 5 em nhỏ thoát khỏi dòng nước chảy xiết trên sông Lam đã lay động hàng triệu trái tim trên khắp cả nước, là điểm sáng trong phong trào thi đua để thanh, thiếu niên cả nước học tập, noi theo. Cô giáo Nguyễn Thị Thông, Chủ tịch Hội khuyến học xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, với tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, 14 năm qua đã vượt qua muôn ngàn khó khăn dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo và học viên mù chữ. Cô giáo Bùi Thị Nhung, huyện Cam Lộc, tỉnh Khánh Hòa, đã tình nguyện ra Trường Sa dạy học từ năm 2008 - 2013, góp phần vào sự nghiệp trồng người tại vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc; ông Huỳnh Văn Cam, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Ben Tre, trực tiếp chủ trì thực hiện 7 chương trình hoạt động của hội, vận động được trên 100 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 10 ngàn người mù được sáng mắt, hơn 600 người bệnh được cứu sống. Bà Tạ Thị Chung, Phó Giám đốc Làng Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm đã tổ chức 40 đợt khám chữa, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo, vận động xây dựng nhà tình thương, phòng học cho các nạn nhân chất độc da cam, trẻ em nghèo, không nơi nương tựa. Ông Nguyễn Đình Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, không quản ngại khó khăn, trực tiếp đến từng gia đình động viên, chia sẻ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, đã vận động, quyên góp được gần 10 tỷ đồng để chăm sóc, cứu chữa, làm nhà tình nghĩa cho các nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật trên địa bàn...

Bên cạnh đó, để có cuộc sống hòa bình, yên ổn như ngày hôm nay, chúng ta cũng không thể nào quên sự hy sinh cao cả của những tấm gương anh dũng, kiên cường  để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân. Đó là gương các chiến sĩ lực lượng vũ trang đã không ngại xả thân, quên mình để hoàn thành nhiệm vụ. Những tấm gương cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám biển, mưu trí, quả cảm đối mặt với hiểm nguy, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm “4 cùng”, đem ánh sáng của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, hướng dẫn đồng bào xây dựng nếp sống mới, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hình ảnh hàng vạn cán bộ, chiến sĩ không quản ngại hi sinh, gian khổ, lập hàng rào người ngăn dòng nước lũ, vượt qua sóng gió, khói lửa, cứu người, cứu tài sản Nhà nước và nhân dân. Tiêu biểu như: Đại úy Nguyễn Lương Long, Đội trưởng Đội tàu thuyền, Đồn Biên phòng Cát Bà, mưu trí, dũng cảm chỉ huy tàu vượt qua sóng lớn cứu 12 người trong cơn bão số 8 năm 2012; cán bộ, chiến sĩ Đội 3, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, Quân khu 4, với tình cảm như người mẹ, người chị, đã chia sẻ từng bát cơm, tấm áo, tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng 3 cháu mồ côi người Vân Kiều; cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công Binh đã sáng tạo mở đường hầm cứu sống công nhân ở Đạ Dâng (Lâm Đông) vào tháng 12/2014 và gần đây nhất, trong trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ không quản ngại mưa to, lũ cuốn lao vào dòng nước cứu người, cứu tài sản, được chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao, làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và chiến sĩ công an nhân dân ngày càng tỏa sáng.

Trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, còn rất nhiều tấm anh hùng, những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, những nhân tố, điển hình trong đời sống xã hội đã thực sự tỏa sáng tinh thần yêu nước, sống có lý tưởng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, làm sáng ngời truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đó là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước của cả nước trong những năm qua./.

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực