Phát huy vai trò giám sát của người dân trong phát hiện người có nguy cơ nhiễm Covid-19

Thứ tư, 11/03/2020 18:36
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Phát huy vai trò giám sát của người dân trong phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Khi toàn dân tham gia phòng, chống dịch thì mọi việc sẽ thành công và sẽ hoàn thành được mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Quang cảnh Hội nghị. 

Chiều 11/3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành với hơn 1.700 đại biểu tham dự từ 67 điểm cầu.

Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, hôm nay Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 2 triển khai tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin, gần hai tháng qua, công tác phòng chống dịch Covid-19 đã và đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc, được toàn dân ủng hộ và tham gia rất tích cực. Về phía MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có kế hoạch vận động nhân dân phòng chống dịch Covid-19, triển khai đến địa bàn khu dân cư, đến từng hộ gia đình, gặp từng người để tuyên truyền vận động phòng chống dịch hiệu quả như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa… Ở những nơi có dịch cho thấy sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên vào cuộc hết sức quyết liệt.

Cả nước đã huy động lực lượng quân đội, công an vào cuộc, sử dụng các trường quân sự ở các địa phương để đón người Việt lao động ở nước ngoài, các du khách nước ngoài có biểu hiện bệnh để tiến hành cách ly ban đầu với khoảng trên 10.000 người.

Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng hơn 100 nước, diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động thiệt hại gây ra đối với đất nước chúng ta về kinh tế - xã hội, đời sống ngày càng nặng nề. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị cùng tiếp tục vào cuộc để phòng chống dịch bệnh Covid -19. Trong đó, MTTQ và các tổ chức thành viên cần tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện phòng chống dịch bệnh với phương châm phòng bệnh là chính.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu các địa phương vào quốc quyết liệt hơn nữa theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ khi cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam bước vào một giai đoạn mới. Đó là sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam. Tránh tụ tập đông người, tránh hội họp, lễ lạt, mít tinh…

Cùng với đó, vận động nhân dân yên tâm tin tưởng vào công cuộc phòng dịch của Chính phủ, không lo lắng trước những thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Theo dõi, nắm bắt tình hình di biến động trên địa bàn; tuyên truyền, động viên mọi người khai báo y tế; đấu tranh với các trường hợp không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch của Ban Chỉ đạo đề ra là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Mỗi người tự nâng cao sức khỏe, sức đề kháng; không kỳ thị bất cứ ai vì bất kỳ ai có thể nhiễm dịch; lan tỏa những điều tích cực, tử tế…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị. 

Báo cáo kết quả MTTQ Việt Nam triển khai công tác phòng, chống, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt, triển khai thực hiện nội dung Công văn số 79-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nghe đại diện Bộ Y tế cung cấp thông tin và hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu Mặt trận và đoàn thể các cấp; kịp thời ban hành công văn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch…

Hàng tuần, Ban Thường trực tổng hợp, báo cáo nhanh với Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành liên quan về việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tham gia phòng, chống dịch bệnh, các kiến nghị, đề xuất; cắt giảm các cuộc họp, hội nghị, tập trung cho nhiệm vụ phòng, chống dịch… đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”…

Rất nhiều vấn đề người dân quan tâm được giải đáp 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bước vào trận chiến thứ hai chống dịch Covid-19, tình hình dịch đang diễn biến khá phức tạp, diện mắc rộng và tốc độ lan nhanh, trong vòng thời gian ngắn, trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có ca mắc mới, đặc biệt là ở tâm dịch Châu Âu.

“Ở Việt Nam, giai đoạn đầu ngăn chặn dịch Covid-19 rất triệt để. Nhưng đến nay là giai đoạn mới và chúng ta phải có tâm thế mới khi có các ca nhiễm mới. Sự quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân sẽ chặn đứng được dịch, kể cả ở giai đoạn 2 này”, GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Thứ trưởng Long giải thích rõ 3 đường lây của virus Corona: qua giọt bắn, tức khi ho, hắt hơi gây bắn virus qua giọt nhỏ, vì thế khuyến cáo của ngành y tế là đứng cách xa 2m (Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo 1m); qua đường lây trực tiếp (tiếp xúc gần, bắt tay với người bệnh); qua tiếp xúc các bề mặt (virus có thể đọng lại trên các bề mặt, người dân có thói quen đưa tay lên mặt gây nhiễm).. Như vậy, virus có thể lây qua không khí, qua tiếp xúc, qua bề mặt nhất là ở nhà vệ sinh công cộng... Do đó, Bộ Y tế luôn khuyến cáo phải rửa tay hằng ngày, vì virus này rất “sợ” các hóa chất tẩy rửa.

Về triệu chứng của bệnh nhân: trên 90% có biểu hiện sốt, do đó phải sàng lọc bằng cách đo thân nhiệt; ho (đây là nguồn gây lây nhiễm lớn nhất); có biểu hiện như bệnh cúm (đau mỏi cơ, người…). Nhìn chung các biểu hiện lâm sàng rất giống bệnh cúm. Thời gian ủ bệnh từ 11-14 ngày, nhưng thường là 5-6 ngày. Thời gian có khả năng lây cho người khác mạnh nhất là từ ngày 2-7, đó là lúc virus phát triển mạnh.

Tiếp xúc có thể bị lây nhiễm hoặc không. Đó là lý do khi Bộ Y tế khẳng định Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xét nghiệm âm tính thì người tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Chí Dũng là an toàn kể từ ngày trước đó đến ngày có kết quả xét nghiệm, còn sau đó thì chưa khẳng định vì phải tính thời gian ủ bệnh. Chúng ta không nên lo lắng quá, tất nhiên vẫn phải thường xuyên phòng bị, nhưng không nên sợ hãi.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể chữa khỏi được bệnh dịch Covid-19. Toàn hệ thống chính trị đã được huy động vào cuộc phòng chống dịch ngay từ đầu, vì vậy hiệu quả rất tốt, nhất là lực lượng công an, quân đội đã vào cuộc ngay từ đầu chứ không phải đợi dịch bùng phát. Kinh nghiệm này cần tiếp tục được áp dụng cho giai đoạn 2. “Chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt. Có nhiều ngày Thủ tướng Chính phủ gọi cho thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch không dưới 10 lần lần để đốc thúc, huy động các giải pháp”, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết.

Giải thích cơ chế cách ly trước đây với Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và phố Trúc Bạch (Hà Nội) hiện nay, Thứ trưởng Long khẳng định: Trong phòng, chống dịch bệnh thì cách ly là biện pháp đúng trong mọi trường hợp. Từ kinh nghiệm cách ly ở Sơn Lôi, Ban Chỉ đạo phòng, chóng dịch Covid-19 cũng đang bàn với Hà Nội thu hẹp cách ly ở Trúc Bạch vì những người dân ở đây xét nghiệm đã có kết quả âm tính.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trao đổi tại Hội nghị. 

Tiếp tục các giải pháp phòng dịch cho giai đoạn mới, GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định phải tiếp tục việc cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Theo đó, cách ly nghiêm ngặt 14 ngày đối với người về từ vùng dịch nhằm ngăn dòng người từ các nước về Việt Nam, ngăn chặn nguồn lây. “Như Hàn Quốc ban đầu chỉ cách ly người về từ 2 vùng dịch nhưng sau đó phải cách ly toàn bộ người về từ Hàn Quốc. Các nước châu Âu chúng ta cũng sẽ làm tương tự như Hàn Quốc. Cùng với đó triển khai việc khai báo y tế điện tử để bảo đảm theo dõi được tất cả những người nhập cảnh Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Thông tin về dịch Covid-19 được công bố minh bạch, kịp thời, không che giấu thông tin. Tuy vậy, hiện nay vẫn có quá nhiều nhận thức sai lầm về công tác phòng chống dịch, gây tâm lý xã hội hoang mang. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân tin tưởng vào giải pháp chống dịch của Đảng, Nhà nước, không hoang mang, lo sợ. Cùng với đó, mỗi người dân là một chiến sĩ phòng dịch, tự bảo vệ sức khỏe cho mình cũng như tham gia bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Phát huy vai trò giám sát của người dân trong phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Khi toàn dân tham gia phòng, chống dịch thì mọi việc sẽ thành công và sẽ hoàn thành được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Từ khi thực hiện tờ khai điện tử, toàn bộ dữ liệu của hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đều được nắm bắt. Đêm ngày 10/3, Ban Chỉ đạo đã tìm được toàn bộ danh tính của 201 hành khách trên chuyến bay VN54 (có bệnh nhân 17 và các bệnh nhân dương tính khác).

Với phương châm hành động sớm để cách ly, khoanh vùng và dập dịch, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cách ly 14 ngày thông qua 3 hình thức. Thứ nhất, cách ly tại các cơ sở y tế đối với những người dương tính, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (F0, F1). Thứ hai, cách ly tại nhà đối với những trường hợp tiếp xúc gián tiếp với người bệnh (F2, F3). Thứ ba, cách ly tại các cơ sở quân đội, công an và cơ sở lưu trú do chính quyền các tỉnh, thành phố chỉ đạo đối với những cá nhân từ các nước ở vùng dịch về Việt Nam. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ thực hiện cách ly cho phù hợp để làm chậm quá trình lây lan của virus và giảm tối đa lây nhiễm.

Việc điều trị cho bệnh nhân hiện nay đang được thực hiện thông tuyến, bệnh nhân phát hiện ở tuyến nào thì điều trị trực tiếp ở tuyến đó và tránh tình trạng điều trị tập trung, vì 80% bệnh nhân dương tính ở Việt Nam ở tình trạng nhẹ, nếu bệnh nhân nào nặng thì mới chuyển lên tuyến trên.

Trước kiến nghị của đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang và dụng cụ xét nghiệm nhanh phục vụ nhân dân, nhất là ở vùng trọng điểm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, khi dịch xảy ra, thiếu hụt khẩu trang là câu chuyện toàn cầu, không riêng Việt Nam, có thực tế người dân đi khắp nơi không mua được khẩu trang.

Ngay lập tức, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo khi nào dùng khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Trong cơ sở y tế bắt buộc phải dùng khẩu trang y tế. Còn lại có thể sử dụng khẩu trang vải, khẩu trang vải thì không thiếu. Thủ tướng cũng đã miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nhưng chúng ta lại chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời gian qua họ không sản xuất, hiện nay đã sản xuất lại nên tới đây sẽ có nguyên liệu. Cùng với đó, ta cũng tìm kiếm nguyên liệu ở thị trường khác. Thủ tướng cũng cấm không cho xuất khẩu khẩu trang.

"Cả nước có 40 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nên khi có nguyên liệu sẽ bảo đảm được khẩu trang y tế trong nước. Ngành y tế cũng đang tập trung mua, các địa phương có nhu cầu thì báo cáo về Bộ Y tế, Bộ sẽ điều tiết”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

Về cách ly thì sẽ gây xáo trộn cho dân, Bộ Y tế không sử dụng là F, nhưng dân gọi thành quen. Người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh thì bắt buộc phải cách ly tập trung (tức F1). Còn những người tiếp xúc với F1 cách ly tại nhà. Nếu F1 âm tính thì những người còn lại an toàn…/.

Thu Hà - Hương Diệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực