Phụ nữ Nam Sách sáng tạo trong thực hiện các phong trào thi đua

Thứ ba, 28/06/2016 13:39
(ĐCSVN) - Sáng tạo trong thực hiện các phong trào thi đua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Nam Sách đã huy động được sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ qua đó, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của quê hương.

Điểm sáng trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước của cán bộ, hội viên, phụ nữ Nam Sách chính là thi đua học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là làm theo Người trong thực hành tiết kiệm để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Minh chứng là 100% cán bộ Hội và trên 10 nghìn gia đình hội viên, phụ nữ trong toàn huyện đã tham gia “Hòm tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” và “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”. Số tiền trên 9,6 tỷ đồng tiết kiệm được từ hai mô hình nói trên, các cấp Hội đã trích tặng quà cho 20 mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn, giúp 726 hội viên nghèo, 95 trẻ mồ côi, tàn tật và 328 hội viên vay phát triển sản xuất.

Riêng trong năm 2013, hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, hội viên, phụ nữ Nam Sách đã thực hiện “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Qua đó, 13,5 tỷ đồng đã được huy động giúp cho trên 4,4 nghìn lượt phụ nữ vay vốn trong đó, trên 1 nghìn lượt phụ nữ nghèo.

Phụ nữ Nam Sách tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước. 
Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Nam Sách

Xác định “có thực mới vực được đạo”, kinh tế có vững vàng, chị em mới hăng hái tham gia hoạt động Hội, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đặc biệt coi trọng việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. 5 năm qua, trên 1 nghìn lớp bồi dưỡng kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật đã được mở thu hút trên 72 nghìn lượt phụ nữ tham gia. Hội cũng vận động 2.533 chị có điều kiện kinh tế giúp 5.351 phụ nữ khó khăn bằng các hình thức như vay vốn không lấy lãi, bán chịu cây, con giống, vật tư phân bón… góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 10,04% năm 2010 xuống còn 3,23% năm 2015.

Nhiều chị nhờ nguồn vốn và sự giúp đỡ của Hội, của các hội viên, phụ nữ mà đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Điển hình là chị Đỗ Thị Đáng, Chi hội thôn Mạc Bình, xã Thái Tân, từ hộ nghèo, chị đã xây dựng được trang trại nuôi chim cút đẻ trứng từ 5 đến 7 nghìn con rồi xây lò ấp trứng, cung cấp chim cút quay cho người tiêu dùng. Nếu như trước đây, tiền triệu là cả gia tài với gia đình chị thì giờ đây, thu nhập hằng năm trừ chi  phí cũng lên tới cả trăm triệu đồng. Không những thế, chị Đáng còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 hội viên, phụ nữ với thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng và đang tiếp tục đầu tư trên 2 tỷ đồng nuôi 10 lồng cá trên sông Thái Bình.

Cùng với đó, những mô hình như “Phụ nữ nuôi tằm đảm đang” của Hội Phụ nữ xã Nam Hưng, “Tổ phụ nữ sản xuất hương uy tín, chất lượng” của Hội Phụ nữ xã Quốc Tuấn cũng là hai trong số những cách làm sáng tạo của phụ nữ Nam Sách tham gia phát triển kinh tế, vừa tập hợp được hội viên, phụ nữ cùng nhau trao đổi các kiến thức chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ cách tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở những địa chỉ uy tín, sử dụng giống mới, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chất lượng nên sản phẩm kén và nhộng tằm của phụ nữ xã Nam Hưng đều được đảm bảo đầu ra. Hay như sản phẩm hương của phụ nữ xã Quốc Tuấn đã có uy tín, xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo… tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động nữ với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Trong Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN huyện Nam Sách cũng là một trong những đơn vị đi đầu. Rất nhiều những mô hình, câu lạc bộ ra đời đã hoạt động hiệu quả như: gia đình 5 không, 3 sạch, gia đình nuôi con khỏe dạy con ngoan, phòng chống bạo lực gia đình… cùng những việc làm thiết thực của từng hộ gia đình như dồn ô đổi thửa, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy…

Các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã phối hợp vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân hiến gần 60 nghìn m2 đất, góp gần 10 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây bãi rác tập trung… Nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn như chị Vương Thị Xá, chi hội thôn Bịch Tây, xã Nam Chính vẫn tình nguyện hiến 15m2 đất ở, 45m2 tường rào, 10m2 công trình phụ xây kiên cố để đường làng, ngõ xóm được rộng rãi, đẹp đẽ hơn, đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới.

Ngoài nguồn kinh phí do hội viên, phụ nữ tự đóng góp, đội ngũ cán bộ Hội cũng chủ động huy động sự hỗ trợ để xây sửa 18 nhà, 38 công trình nước sạch, vệ sinh, tặng đồ dùng cho phụ nữ nghèo… nhằm sớm cụ thể và hiện thực hóa các tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Với những cách làm sáng tạo, thiết thực, huy động sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhiều năm liền, Hội LHPN huyện Nam Sách không chỉ dẫn đầu trong công tác Hội và phong trào phụ nữ của tỉnh mà còn được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực