Phụ nữ vừa là đối tượng chăm lo của tổ chức Hội, vừa là chủ thể thực hiện thành công phong trào thi đua

Thứ năm, 09/03/2017 18:28
(ĐCSVN) - Ngày 9/3, ngay sau khi bế mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã chủ trì cuộc họp báo thông tin nhanh về kết quả Đại hội.

Theo đó, trong nhiệm kỳ XII, bám sát những nhiệm vụ lớn của đất nước trong giai đoạn hiện nay, phát huy những thế mạnh trong thời gian vừa qua, Hội LHPN Việt Nam xác định “Phụ nữ vừa là đối tượng chăm lo, hướng đến của tổ chức Hội, vừa là chủ thể thực hiện thành công phong trào thi đua và các hoạt động do Hội triển khai”.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thông tin về kết quả Đại hội - Ảnh: Minh Châu

Từ quan điểm đó, các điểm mới trong nội dung và phương thức hoạt động trong nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ là: Thứ nhất, phát huy quyền làm chủ của phụ nữ, thể hiện ở 2 phương diện: phát huy vai trò, nội lực để tự giải quyết các vấn đề của mình và tổ chức cho phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng Hội. Để phát huy nội lực của phụ nữ, phương hướng nhiệm kỳ 2017-2022 đề ra các giải pháp vận động phụ nữ giúp nhau như tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ, kết nghĩa, hỗ trợ nhau về nguồn lực và kinh nghiệm sản xuất; tăng cường mối liên kết hội viên các tổ chức thành viên (Hội Nữ trí thức, Hiệp hội nữ doanh nhân) với các nhóm phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao trình độ, tự tin hội nhập.

Để phát huy quyền làm chủ của phụ nữ trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng Hội, trong nhiệm kỳ tới các cấp Hội sẽ có nhiều biện pháp để thu hút phụ nữ tham gia các hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở các địa phương; tạo diễn đàn để phụ nữ thể hiện tiếng nói, quan điểm của mình và hướng tới đánh giá kết quả hoạt động Hội thông qua sự hài lòng của hội viên, phụ nữ.

Thứ hai, thu hút phụ nữ tham gia hoạt động và tổ chức Hội bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng tổ chức hoạt động, sinh hoạt Hội linh hoạt, phù hợp với sự đa dạng của các đối tượng phụ nữ. Không chỉ quản lý, tổ chức hoạt động theo địa bàn hành chính mà tăng cường phối hợp với các đoàn thể, tổ chức để đưa hoạt động đến với các đối tượng phụ nữ một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phụ nữ khẳng định mình, thể hiện vai trò, khả năng đóng góp vào sự phát triển của Hội, của cộng đồng và các chị em phụ nữ khác (như tổ tư vấn cộng đồng, hoạt động xã hội từ thiện …).

Thứ ba, kiện toàn, củng cố hoạt động của cơ quan chuyên trách Hội các cấp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, trong đó chú trọng phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp; đầu tư cho nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn làm cơ sở chỉ đạo hoạt động; cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm giấy tờ, hội họp; đổi mới công tác thi đua, đánh giá xếp loại cán bộ Hội và các cấp Hội.

Thứ tư, để làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, các cấp Hội sẽ chú trọng hoạt động giám sát và phản biện xã hội tập trung cho đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách phát huy vai trò của lực lượng lao động nữ hội nhập kinh tế, thực hiện an sinh xã hội; lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường, huy động sự tham gia, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện các hoạt động chăm lo, bảo vệ phụ nữ thông qua xây dựng các đề án, đăng ký nhận phần việc trong các hoạt động chung như vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường….

Về Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết có nhiều điểm mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng với yêu cầu của phong trào phụ nữ, hoạt động của Hội như bổ sung quy định tư cách pháp nhân của tổ chức Hội trong phần mở đầu và tại Điều 10 để khẳng định địa vị pháp lý của tổ chức Hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp Hội; bổ sung quy định về nhiệm vụ của tổ chức Hội để cụ thể hóa chức năng vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, Điều lệ cũng bổ sung những quy định liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Hội như: thẩm quyền xem xét, quyết định việc công nhận và thôi công nhận tổ chức thành viên cho Ban Thường vụ Hội LHPN cấp tỉnh; quy định về hội viên của các tổ chức thành viên là hội viên của Hội; quy định về vai trò, chức trách của Chủ tịch Hội LHPN các xã, phường, thị trấn để quy định rõ trách nhiệm của toàn bộ đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách các cấp; bổ sung quy định liên quan đến công tác kiểm tra; trách nhiệm đóng góp của tổ chức thành viên đối với nguồn tài chính của Hội…

Về chỉ tiêu hằng năm hỗ trợ 2.500 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp mà Nghị quyết Đại hội đã xác định, Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, đây là chỉ tiêu khó, nhưng cũng là quyết tâm mà Trung ương Hội sẽ tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ. Hiện Trung ương Hội đã xây dựng xong Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2027”. Để thực hiện tốt Đề án này, Trung ương Hội sẽ đề xuất với Chính phủ hỗ trợ về vốn; đồng thời tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, đề nghị Hội Nữ tri thức, Nữ doanh nhân hỗ trợ, tư vấn về kinh nghiệm…

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực