Tăng cường chức năng giám sát, phản biện xã hội của Hội Phụ nữ

Thứ tư, 08/03/2017 16:33
(ĐCSVN) – Tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiều ý kiến đến từ các địa phương đã đề xuất góp ý để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp hơn.

Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cho biết, hiện Quảng Ninh đang tiến hành thí điểm Đề án xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện. Để thực hiện hiệu quả, những vấn đề đặt ra cần được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quan tâm là đổi mới công tác quy hoạch cán bộ theo hướng mở rộng tính liên hiệp, tăng cơ cấu ủy viên Ban Chấp hành ở Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong khối, tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ; phối hợp với các đoàn thể nâng cao nhận thức, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ Hội, cán bộ các đoàn thể để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chung của khối và sự đa dạng đối tượng tác động của các tổ chức.


Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng tham luận tại Đại hội - Ảnh: Minh Châu

Đồng tình với việc coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN TP Hồ Chí Minh cho biết, Hội Phụ nữ TP đã xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến, triển khai ứng dụng, công nghệ thông tin vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Hội, hội viên nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật, kiến thức về giới, các kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình, trong cộng đồng và ngoài xã hội...

Nâng cao hiệu quả hoạt động Hội ở cơ sở

Đồng tình với nội dung khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 là “Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động Hội ở cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ”, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích cho rằng để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, các cấp Hội phải lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên. Mọi hoạt động của Hội phải bắt nguồn từ nhu cầu và giải quyết các vấn đề mà chị em quan tâm...

Lấy ví dụ ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua, Hội LHPN TP đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của hội viên, phụ nữ trên địa bàn qua đó góp phần tập hợp hội viên đạt tỷ lệ 76%. Đơn cử như mô hình “Tổ tư vấn cộng đồng” do Hội LHPN phường/xã/thị trấn thành lập và quản lý được triển khai từ tháng 6/2012 đã thu hút đông đảo các thành viên là trí thức tình nguyện tham gia nhằm trợ giúp cho phụ nữ các vấn đề liên quan đến pháp luật, chính sách, chế độ… Hiện mô hình đã nhân rộng đến tất cả khu phố, ấp với 2.031 tổ, thu hút hơn 15.000 thành viên tham gia. Qua 4 năm đi vào hoạt động, các tổ đã tư vấn cho hơn 17.000 trường hợp, trong đó, tư vấn thành công trên 70%.

Hay mô hình “Nhóm trẻ gia đình” vừa tạo điều kiện cho các bà mẹ gửi con thuận lợi vừa góp phần vào hoạt động dạy nghề, tạo việc làm nuôi giữ trẻ gia đình. Các cấp Hội cũng tiếp cận, hỗ trợ được phụ nữ nhập cư - là những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Hiện toàn TP đang duy trì 26 “Nhóm trẻ gia đình” tập trung ở những khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tăng cường chức năng giám sát, phản biện xã hội của Hội Phụ nữ

Khẳng định chức năng giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng cần được nâng cao, giúp Hội Phụ nữ nâng cao vai trò, vị thế; thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa cho rằng, muốn nâng cao chất lượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, đại diện tổ chức Hội LHPN các cấp phải là thành viên trong các Hội đồng tư vấn hoạch định chính sách và pháp luật để có tiếng nói phản biện ngay trong quá trình dự thảo, không để đến khi luật ban hành rồi mới thực hiện chức năng phản biện.

Mục tiêu mà Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII hướng tới là xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp
- Ảnh: Minh Châu

Góp thêm ý kiến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng, thực hiện tốt giám sát và phản biện xã hội sẽ tạo điều kiện để hội viên phụ nữ giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đồng thời, mối quan hệ giữa tổ chức Hội với các cấp, các ngành, lực lượng chức năng sẽ được thắt chặt hơn, từ đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập để phụ nữ được thụ hưởng các chính sách, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xã hội.

Tạo việc làm, tập trung giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thúy Nguyệt, đây là đối tượng mà các cấp Hội cần tiếp tục hướng đến. Nhiệm kỳ qua, chỉ tiêu giúp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, đây là dấu ấn thể hiện sự quan tâm đến đối tượng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, động viên chị em tiếp tục vươn lên, cải thiện cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Thúy Nguyệt chia sẻ, mô hình tổ liên kết ngành nghề mà Hội LHPN tỉnh Tiền Giang triển khai đang hoạt động khá hiệu quả với trên 500 tổ, thu hút gần 11.500 phụ nữ nghèo tham gia với mức thu nhập ổn định từ 600.000 đồng đến 3 triệu đồng/tháng.

Ưu điểm của mô hình này là giúp chị em tận dụng được thời gian rỗi để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho kinh tế gia đình hoặc liên kết cùng nhau phát triển sản xuất, chăn nuôi… Để nhân rộng các mô hình, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Hội LHPN tỉnh đã mở các lớp đào tạo nghề mà xã hội đang có nhu cầu cao, thu hút trên 18.000 lượt chị em tham gia./.

 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực