Tăng cường vai trò của Mặt trận trong giám sát thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ sáu, 14/06/2019 08:55
(ĐCSVN) – Góp ý tại Hội thảo giám sát việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu khẳng định: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có nhiều điểm mới như: Mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung 1 chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thời gian được công nhận là tổ chức tôn giáo từ 23 năm giảm còn 5 năm...
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh:TA)

Ngày 13/6, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo giám sát việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương  MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội thảo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Mục đích của việc ban hành Luật nhằm góp phần thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013 nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để đảm bảo hơn nữa quyền tự do tín  ngưỡng, tôn giáo; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người….

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, để góp phần thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện tốt hơn trách nhiệm của MTTQ quy định tại Điều 3 của Luật, triển khai Đề án vận động đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay của Đảng, Đoàn MTTQ, Ban Thường trực, Hội đồng tư vấn về tôn giáo Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo nhằm làm rõ hơn kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân, đề xuất các biện pháp thúc đẩy thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.

Góp ý tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới, tiến bộ, thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Các quy định của Luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, khắc phục kịp thời những bất cập của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở nước ta, phục vụ đắc lực hơn nữa cho yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, đảm bảo lợi ích của đất nước.

Các đại biểu nhấn mạnh, so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có nhiều điểm mới như: Mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung 1 chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trong đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, chủ thể thực hiện quyền được mở rộng; một số nội dung theo quy định của Pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nay Luật phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương; thời gian được công nhận là tổ chức tôn giáo từ 23 năm giảm còn 5 năm; quy định rõ việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu lên thực tế, do các Luật chuyên ngành và một số chính sách, pháp luật khác chưa thể chế hóa các chủ trương trên, hoặc quy định chưa đầy đủ nên các tổ chức tôn giáo hợp pháp muốn tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động trên còn gặp nhiều khó khăn, nếu có mới chỉ dừng lại ở phạm vi các tổ chức tôn giáo được mở các lớp mẫu giáo, nhà trẻ hay các phòng khám, các cơ sở chăm sóc người cô đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật…

Các đại biểu đề nghị, về đầu mối phân cấp quản lý, nên tiến tới giảm đầu mối ở cấp xã, phường; tăng cường ở cấp huyện trở lên, nhất là ở cấp tỉnh và trung ương vì các nơi này mới có đội ngũ làm công tác tôn giáo chuyên nghiệp.

 


Các đại biểu nhấn mạnh, so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng,
tôn giáo đã có nhiều điểm mới. (Ảnh:TA).

 

Đề cập đến các luật chuyên ngành có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là Luật Đất đai và Luật Xây dựng, các đại biểu đề nghị cần xem xét, bổ sung các quy định về việc xây dựng khu sinh thái tâm linh, tránh việc các cá nhân mượn danh tôn giáo để xin đất. Muốn thế, cần có các quy định cụ thể hơn về việc tổ chức tôn giáo có thể mua và sử dụng đất...

Đề cập đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục…., các đại biểu cho rằng: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Điều 55 quy định về: Hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”. Do vậy, các văn bản pháp luật có liên quan cần cụ thể hóa hơn nữa các quy định đến lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế, dạy nghề… theo tinh thần của Nghị quyết 25-NQ/TW năm 2003 về công tác tôn giáo...

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực