Thúc đẩy nông nghiệp của Thủ đô phát triển xứng tầm

Thứ tư, 08/07/2020 21:41
(ĐCSVN) - Hà Nội kiến nghị, đề xuất Bộ NN&PTNT 15 vấn đề. Trong đó trọng tâm là hỗ trợ trong tổ chức sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; quy hoạch đê điều, phòng chống lũ; xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản; hỗ trợ, xúc tiến kêu gọi các đơn vị đầu tư chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm; thúc đẩy chăn nuôi, tái đàn lợn…

Hà Nội thúc đẩy hợp tác phát triển thông tin và truyền thông

Hà Nội: Tạo chuyển biến trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Quyết liệt giải quyết hai vấn đề liên quan đến an sinh xã hội

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh:TH) 

Chiều 8/7, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội chủ trì cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về kết quả phối hợp công tác giữa hai đơn vị; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn của TP Hà Nội; các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất các nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và lãnh đạo UBND TP, các sở, ngành TP Hà Nội.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt, song ngành Nông nghiệp vẫn có vai trò hết sức quan trọng. Toàn Thành phố có 30 quận, huyện, thị xã nhưng vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%. Toàn Thành phố cũng có số xã nhiều nhất cả nước với 383 xã, dân số khu vực nông thôn cũng chiếm khoảng 50%... Do đó, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thành ủy đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về lĩnh vực này…

Tuy vậy, Bí thư Vương Đình Huệ cho rằng, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Cùng với đó, trong nội tại ngành nông nghiệp cũng còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục, như khoảng cách thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn còn lớn, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, năng suất lao động còn thấp; việc xây dựng NTM mang phong cách, bản sắc Thủ đô, gắn với đô thị hóa cũng còn nhiều vấn đề đặt ra...

Chính vì thế, Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn thông qua buổi làm việc với Bộ NN&PTNT sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn này. Đồng thời, giúp Thành phố chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch 2 bên sông Hồng và các dòng sông khác của Hà Nội.

Đến năm 2025, 100% các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới

Báo cáo về kết quả phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, triển khai các nội dung tại Thông báo số 165-TB/BNN-UBND ngày 15/3/2017, thời gian qua, hai bên đã có những quan tâm, chỉ đạo, phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, kế hoạch liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn.

Trong đó, về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2019-2020, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, với mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế về thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Đồng thời, triển khai các giải pháp để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:TH)

Theo đó, toàn Thành phố đã cơ cấu diện tích lúa được chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao, dự kiến, đến hết năm 2020 đạt 60%; quy hoạch diện tích sản xuất bưởi đạt 6.749ha, giá trị sản xuất đạt từ 500-650 triệu đồng/ha/năm. UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019-2020 nhằm phát triển 3 giống chất lượng cao, với số lượng khoảng 5.100 bê thương phẩm và hằng năm cung cấp cho thị trường trên 3.000 tấn thịt bò.

Toàn Thành phố cũng hình thành 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn với tổng diện tích 7.229ha (diện tích quy hoạch là 9.167ha). Dự kiến đến hết năm 2020, diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản đạt 22.900ha đến 24.000ha; sản lượng ước đạt 124.200 tấn và đáp ứng khoảng 45,0% nhu cầu sử dụng thực phẩm thủy sản của người dân Thủ đô; năng suất vùng nuôi thủy sản tập trung đạt 10-12 tấn/ha.

Đối với công tác xây dựng NTM, Thành phố đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh các giải pháp để hoàn thành mục tiêu thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội. Đến nay, có 353/382 xã đạt chuẩn NTM và dự kiến đến hết năm 2020 có 368/382 xã đạt chuẩn NTM (vượt 16,6% kế hoạch); 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 huyện đạt chuẩn NTM. Hiện đang hoàn thiện trình tự, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận thêm 7 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng.

Hà Nội cũng tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2019, Thành phố đã đánh giá, phân hạng tổng số 301 sản phẩm, trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao và 88 sản phẩm 3 sao (đạt 100,3% kế hoạch năm 2019). Dự kiến, năm 2020, hoàn thiện và tổ chức đánh giá, phân hạng 700 sản phẩm trở lên. Ngoài ra, Hà Nội duy trì và phát triển 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu tổng quát, xây dựng nền nông nghiệp Thành phố phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

Mục tiêu cụ thể tới năm 2025, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,5%/năm trở lên; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố. Phấn đấu đến năm 2025, toàn Thành phố có 100% các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1% (theo tiêu chí mới)...

Để làm được điều này, Hà Nội kiến nghị, đề xuất Bộ NN&PTNT 15 vấn đề. Trong đó trọng tâm là hỗ trợ trong tổ chức sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; quy hoạch đê điều, phòng chống lũ; xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm); hỗ trợ, xúc tiến kêu gọi các đơn vị đầu tư chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm; thúc đẩy chăn nuôi, tái đàn lợn; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, chương trình hợp tác là nền tảng để Thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ở giai đoạn tiếp theo 2020 - 2025, hướng đến 2030, tầm nhìn 2045. Thời gian tới, Hà Nội đề nghị Viện Quy hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo.

“Hà Nội rất thuận lợi khi có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, tiềm năng lợi thế lớn để Thành phố có thể xây dựng đề án, tiến tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi và đáp ứng nhu cầu nông sản cho Thủ đô, xuất khẩu. Trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất chất lượng. Để đến đầu năm 2021 sẽ hoàn thành 100% số xã về đích NTM và đến năm 2025 việc phát triển tam nông vẫn sẽ là chương trình trọng tâm của Hà Nội, Thành phố kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Thủ đô…” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh Hà Nội nhìn ra vai trò quan trọng của "tam nông", đã xây dựng, ban hành Chương trình số 02 về vấn đề này, chỉ sau Chương trình về xây dựng Đảng, qua hai nhiệm kỳ phát triển, các nội dung lớn của Hà Nội liên quan đến nông nhiệp như thu nhập của người dân, tổng số xã đạt NTM, tỷ lệ giảm nghèo…đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần nỗ lực để hoàn thành hai sứ mệnh: Sứ mệnh cho mình (đáp ứng nhu yếu phẩm cho 10 triệu dân đảm bảo ngon nhất, an toàn nhất) và sứ mệnh trung tâm (địa thế, nguồn nhân lực). Theo đó, Hà Nội phải trở thành trung tâm công nghệ nông nghiệp, trung tâm chế biến nông sản và cần nhận dạng để định hướng phát triển đúng sứ mạng. muốn thế, nông nghiệp Hà Nội phải có tính lan toả, đáp ứng nhu cầu không chỉ cho Hà Nội mà còn cả nước. Nông dân của Hà Nội phải là nông dân 4.0, thu hút được người tài vào tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc.

Liên quan đến một số đề xuất của Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ phối hợp cùng Thành phố tập trung thành lập tổ công tác để sớm tháo gỡ. Đặc biệt, đối với quy hoạch phòng chống lũ của hệ thống sông Hồng – Thái Bình, sau khi có Luật Quy hoạch, việc thực hiện Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai. Trên cơ sở nguyên tắc của quy hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Hà Nội tập trung rà soát, để tiến tới chỉnh trang lại vùng bãi sông làm sao có thể quản trị tốt về mặt tổng thể, nhất là trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một phức tạp… Trong đó, những vấn đề bức xúc sẽ được ưu tiên đánh giá trước để xử lý riêng trên tinh thần là phải nhanh.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự có mặt của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành Trung ương và điều này thể hiện tình cảm, trách nhiệm với Thủ đô. Hà Nội sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến tại buổi làm việc này.

Đề cập tới vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hà Nội gắn với xây dựng NTM, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tới đây Hà Nội sẽ tiếp tục Chương trình số 02-CTr/TU ở giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hoá, tập trung quy mô lớn. Để đạt mục tiêu này, đối với những vướng mắc, Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ với những nhóm giải pháp: nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua kênh chế biến, lưu thông và phân phối; Tổ chức liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp với các địa phương trong và ngoài vùng sông Hồng; Tổ chức hiệu quả tiêu thụ nông sản; Tổ chức nâng cao sản xuất nông nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất…

Về công tác quản lý đê điều, phòng chống lũ, Bí thư Vương Đình Huệ đề xuất, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để xem xét xây dựng và trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thoát lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn phù hợp với Quyết định 257. Những nội dung chi tiết, phương án quy hoạch phòng chống lũ, đề xuất liên quan đến bãi sông được xác định nền tảng quan trọng không chỉ phục vụ phát triển nông nghiệp mà còn tạo điều kiện cho Hà Nội sớm phủ kín được quy hoạch phân khu, nhất là quy hoạch phân khu sông Hồng… Điều này tạo động lực rất lớn để góp phần xây dựng Hà Nội trở thành đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại và tạo điều kiện giải quyết sinh kế cho khoảng 900.000 người dân đang sinh sống trong khu vực này.

 Hai bên đã ký kết thông báo kết luận cuộc làm việc và biên bản ghi nhớ hợp tác. (Ảnh:TH)

Đối với vấn đề thúc đẩy sản xuất trong điều kiện hậu COVID-19, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, rất vui mừng khi Bộ NN&PTNT đã chấp nhận với đề xuất của Hà Nội trong việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Thủ đô nhập khẩu lợn giống, thương phẩm. Hà Nội rất mong muốn hợp tác với các cơ quan chức năng của Bộ trong vấn đề này.

Về kế hoạch đầu tư công, trung hạn trong phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban cán sự UBND Thành phố sẽ tính toán để dành nguồn lực tập trung đầu tư cho lĩnh vực này. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT ghi nhận một số đề xuất của TP để góp phần đầu tư cho hệ thống phát triển nông nghiệp của Hà Nội…

Tại buổi làm việc, hai bên đã ký kết thông báo kết luận cuộc làm việc và biên bản ghi nhớ hợp tác./.

 

 

 

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực