Thúc đẩy việc thành lập Ban Nữ công quần chúng ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước

Thứ năm, 13/04/2017 17:23
(ĐCSVN) – Ngày 13/4 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ về Ban Nữ công quần chúng ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Minh Châu

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, tới đây, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ thảo luận và thông qua nghị quyết về Ban Nữ công quần chúng ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Đây là một trong những nghị quyết của Tổng LĐ nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Đảng về công tác phụ nữ, công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và bình đẳng giới.

Những năm qua, Ban Nữ công ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã từng bước được thành lập, phát huy vai trò trong việc tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ; tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản… góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.

Tuy nhiên, hoạt động của Ban Nữ công quần chúng ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo kết quả khảo sát của Tổng Lao động ở 41 tỉnh, thành phố có khu công nghiệp thì việc thành lập Ban Nữ công quần chúng ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa được đảm bảo theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, mới chỉ có 47,9% công đoàn cơ sở thành lập Ban Nữ công quần chúng; 35,8% công đoàn cơ sở có trên 10 nữ đoàn viên nhưng không thành lập Ban Nữ công quần chúng mà chỉ phân công một ủy viên Ban Chấp hành phụ trách công tác nữ công trong khi ở nhiều nơi, vai trò đại diện của Ban Nữ công quần chúng ở những vấn đề liên quan đến lao động nữ và trẻ em chưa được phát huy.

Tại Hội thảo, ý kiến của đại biểu các công đoàn ngành, địa phương cho rằng, nguyên nhân cơ bản của những hạn chế nêu trên là do nhận thức và công tác chỉ đạo của công đoàn cấp trên, công đoàn cùng cấp về hoạt động của Ban Nữ công quần chúng chưa được quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt để tạo được chuyển biến thực sự. Nhiều cán bộ nữ công ở khu vực ngoài nhà nước còn hạn chế về năng lực, kỹ năng hoạt động, cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm, thiếu ổn định; công tác kiểm tra của công đoàn cấp trên chưa thường xuyên có nơi khoán trắng công tác nữ cho cán bộ nữ công.

Thời gian tới cần nâng cao trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp trong chỉ đạo hoạt động của Ban Nữ công quần chúng gắn với kiện toàn, nâng cao trách nhiệm tham mưu, tổ chức hoạt động của Ban Nữ công quần chúng đặc biệt là cần thúc đẩy việc thành lập Ban Nữ công quần chúng ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ngay sau khi thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ Công đoàn, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, thu hút lao động nữ gia nhập tổ chức công đoàn.

 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực