Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phải công khai, minh bạch, hiệu quả

Thứ hai, 18/07/2016 23:29
(ĐCSVN) – Chiều 18/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở đã tổ chức Hội nghị sơ kết xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở  - Ảnh: PC

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chủ trì Hội thảo. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương.

Theo báo cáo và các ý kiến trình bày tại hội nghị cho thấy: 6 tháng đầu năm, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở; trọng tâm là gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp và Hội đồng nhân dân các cấp.

Các bộ, ban, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm của Trung ương gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, những bức xúc của nhân dân.

Cùng với đó, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, sát dân, phát huy vai trò của nhân dân; các chính sách của Nhà nước được các cấp chính quyền tổ chức thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Trong đó, công tác cải cách hành chính được triển khai một cách tích cực, hiệu quả, góp phần làm tăng tính minh bạch, giảm bức xúc trong xã hội. Một số địa phương như Đồng Tháp, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng… đang hướng mạnh vào việc lấy “phục vụ” và “hiện đại” là tiêu chí chủ đạo trong thực hiện thủ tục hành chính đối với người dân và các tổ chức. doanh nghiệp…

Kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, việc tổ chức quán triệt các quan điểm của Đảng và tổ chức thực hiện các quy chế về thực hiện dân chủ không ít nơi còn hình thức; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; sự phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức và triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở trong hệ thống chính trị có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp không có tổ chức đảng, đoàn thể chưa xây dựng quy chế dân chủ, quy chế đối thoại, chưa tổ chức hội nghị người lao động hoặc tổ chức còn mang tính lồng ghép, kết hợp với đại hội công đoàn cơ sở…

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở xác định, 6 tháng cuối năm 2016 tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ. Trọng tâm là phổ biến, triển khai thực hiện sâu rộng KL120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là nhiệm vụ phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương,

Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: PC

Cùng với đó, tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội giữ vững an ninh trật tự, tham gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” và việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả; xây dựng đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân; quan tâm chỉ đạo kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở đề nghị trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, quán triệt các quan điểm của Đảng, chủ trương của Nhà nước về xây dựng quy chế dân chủ cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về thực hiện QCDC ở cơ sở nơi làm việc; chỉ đạo các cơ quan Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các quy định, quy trình; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định đã ban hành cho phù hợp với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân. Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, các công việc phải được triển khai công khai, minh bạch, trong đó tạo cơ chế để người dân có quyền được thông tin, được bàn bạc những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân; những kiến nghị của nhân dân phải được giải quyết triệt để, hiệu quả, không mang tính hình thức…/.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực