Tọa đàm khoa học quốc tế về Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa xã hội hiện thực

Thứ năm, 17/08/2017 22:40
(ĐCSVN) – Ngày 17/8, tại Hà Nội, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “100 năm Cách mạng tháng Mười Nga và một thế kỷ Chủ nghĩa xã hội hiện thực: Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại (1917-2017)”.

 

Hình ảnh tại buổi Tọa đàm. (Ảnh: HH)


Dự Tọa đàm có các các nhà khoa học, đại biểu đến từ Liên bang Nga, Trung Quốc, Lào, Cu Ba, Thụy Điển và Việt Nam.

Phát biểu Đề dẫn Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga - cuộc cách mạng mang sứ mệnh khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực - một kiểu phát triển xã hội mới, công bằng và dân chủ hơn cho thế giới hiện nay. Một thế kỷ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đã diễn ra với rất nhiều thăng trầm: có cả những thành tựu to lớn đã đạt được ở mỗi nước và cả những đổ vỡ, thất bại. Nhưng cũng chính từ thực tiễn này, mỗi nước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và bước đầu xác định trên thực tế một số quy luật của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mong muốn với chủ đề của cuộc Tọa đàm, các nhà khoa học cùng làm sáng rõ thêm hai nội dung lớn.

Thứ nhất, về giá trị thời đại, ý nghĩa mở đường và tinh thần khai sáng cho cả một thế kỷ phát triển vừa qua của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga 1917. Tuy vậy, từ sau sự kiện Đông Âu - Liên xô (1989 - 1991) cho đến gần đây cũng xuất hiện những ý kiến trái chiều, đặt lại vấn đề về giá trị của cách mạng Tháng Mười Nga.

“Chúng tôi cho rằng, những ý kiến khác nhau về một sự kiện là bình thường trong nghiên cứu khoa học. Và trên thực tế cũng đã có nhiều ý kiến phản bác sắc sảo từ chính các học giả Phương Tây về những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận giá trị của cách mạng Tháng Mười. Tuy vậy, với quan điểm khách quan, toàn diện, chúng ta nêu ra những ý kiến này như một tình huống để các nhà khoa học tham dự cuộc Tọa đàm này cùng trao đổi để đánh giá một cách khách quan sâu sắc, toàn diện về giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga và ảnh hưởng của nó đến sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực một thế kỷ qua” – đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị.

 

Đại biểu đến từ nước Nga tham luận tại Tọa đàm. (Ảnh: HH)


Thứ hai, nhìn nhận lại sự hình thành và phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực ở mỗi nước và trào lưu xã hội chủ nghĩa trên thế giới một thế kỷ vừa qua. Về điểm này, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới được bắt đầu từ năm 1917 với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đến nay đã được một thế kỷ. Có thành tựu và bất cập, đổ vỡ và cải cách, đổi mới và đã khơi dậy bao nhiêu cảm xúc và trăn trở trong lương tri của nhân loại một thế kỷ qua.

Nhìn tổng quát, một thế kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, có thành công, có thất bại, phải “làm đi làm lại những cái tưởng như đã làm rồi" (C.Mác). Thực tế ấy đã mang lại nhiều nhận thức lý luận, cho chúng ta một đánh giá khái quát về sự thăng trầm, sức sống và cả những vấn đề của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong 100 năm qua.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, hiện thực hóa lý tưởng xã hội chủ nghĩa thật vinh quang nhưng cũng không hề dễ dàng. Thực tiễn nhiều chiều cạnh của chủ nghĩa xã hội hiện thực một thế kỷ qua, dưới cái nhìn của khoa học hôm nay, có thể rút ra những vấn đề có tính quy luật hoặc những kinh nghiệm để quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở mỗi nước trong thế kỷ XXI đạt hiệu quả cao hơn.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng mong muốn, tại cuộc Tọa đàm khoa học này, Ban tổ chức sẽ được lắng nghe và chia sẽ kinh nghiệm của các nhà khoa học đến từ Lào, Cu Ba, Liên bang Nga, Trung Quốc, Thụy Điển cùng các nhà khoa học Việt Nam trao đổi một cách thẳng thắn về chủ đề quan trọng này./.

HH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực