Tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ năm, 15/03/2018 15:04
(ĐCSVN) - Việc tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các văn bản của Chính phủ đến với các chức sắc, nhà tu hành và những tín đồ tôn giáo cần được quan tâm thực hiện thường xuyên để Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo các nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân có tín ngưỡng, tôn giáo…
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: LN)

Ngày 15/3, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tuyên truyền thực hiện Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ hai thông qua ngày 18/11/2016. Luật có 9 chương, 68 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Ngày 30/12/2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 162 quy định chị tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật đã thể chế đúng nguyên tắc Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; khắc phục được một số bất cập của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nhà nước; đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được tôn trọng, các giá trị đạo đức, văn hoá của tôn giáo được phát huy; củng cố niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại hội nghị, các đại biểu được lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ truyền đạt Nghị định 162 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hiến pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội khẳng định: Việc tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các văn bản của Chính phủ đến với các chức sắc, nhà tu hành và những tín đồ tôn giáo, những người trực tiếp làm công tác tôn giáo là nhiệm vụ cần được quan tâm thực hiện thường xuyên để Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo các nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân có tín ngưỡng, tôn giáo, được đáp ứng theo quy định của pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo…/.

Linh Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực