Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín

Chủ nhật, 06/05/2018 20:41
(ĐCSVN) – Một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII (dự kiến khai mạc ngày 7/5) đó là “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Hình ảnh tại một Hội nghị tham gia góp ý kiến vào Đề án. (Ảnh: HH)

Cán bộ và công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hô Chí Minh đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng đã xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần chỉ rõ, nếu “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt ” thì “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, “là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

Thực tế cho thấy, trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh như nhau, nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị khác nhau là do đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu.

Từ bài học xương máu về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô, sự tan rã của Liên bang Xô - viết và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũng cho thấy, nguyên nhân cơ bản là do sai lầm về đường lối và việc bố trí không đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu.

Sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức nặng nề đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Trong khi Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII được xây dựng trên cơ sở Cương lĩnh 1991 thì đến Đại hội XI năm 2011, Cương lĩnh đã được bổ sung, phát triển với nhiều nội dung mới, vì thế cần phải có nghị quyết mới về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để phù hợp với tình hình mới

Qua 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, yếu kém, trong đó có những khuyết điểm, yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chậm được khắc phục.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đã đề ra nhiệm vụ: “Đổi mới mạnh mẽ công tác cản bộ..., bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ...; đổi mới bầu cử trong Đảng phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ,…để lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ”.

Bàn về “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, tại Hội nghị ngành Xây dựng hồi đầu năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu: “Đề án này phải kế thừa, bổ sung, đổi mới và phát triển trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ; thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh năm 2011, Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng. Tinh thần là chuẩn hóa và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực”. Đồng thời Tổng Bí thư cũng đưa ra yêu cầu: “Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp”.

Để chuẩn bị cho Đề án này, Ban Chỉ đạo đã được thành lập do trực tiếp đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng ban Chỉ đạo. Quá trình xây dựng đề án, Ban Chỉ đạo đã làm việc trực tiếp với 15 cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương; tổ chức 25 hội nghị, hội thảo ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, lấy ý kiến 2 vòng các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương; tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cũng đặt hàng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành điều tra xã hội học về công tác cán bộ… Qua các hội thảo, hội nghị và báo cáo chuyên đề, Tổ Biên tập đã giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp trên 800 trang tài liệu kèm theo đề án, hết sức công phu.

Ghi nhận của phóng viên tại các Hội thảo cho thấy, ý kiến các đại biểu đánh giá cao bước chuẩn bị đề cương, Đề án. Theo các đại biểu, Đề án được chuẩn bị khoa học, nghiêm túc, toàn diện, đề xuất được nhiều nội dung mới về mục tiêu, quan điểm, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Các đại biểu đã phân tích, thảo luận về những kết quả đã đạt được trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong những năm qua, chỉ rõ những yếu kém, hạn chế và nguyên nhân của vấn đề, trên cơ sở đó đóng góp ý kiến khá toàn diện trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Trong đó, nhấn mạnh về vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Các đại biểu đề nghị, trong Đề án cần dành một phần thích đáng để đánh giá ưu điểm, khuyết điểm người đứng đầu của các đơn vị, địa phương, bộ ngành trong thời gian qua; có giải pháp trong xây dựng lựa chọn người đứng đầu ở các cấp; xây dựng thể chế để người đứng đầu ở các cấp phát huy được quyền hạn nhưng cũng phải có cơ chế giám sát nhằm hạn chế việc lạm dụng quyền hạn; có phương án trong việc phát hiện, lựa chọn, đào tạo, luân chuyển, đề bạt cán bộ. Đối với đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số ở các cấp cần đảm bảo tỷ lệ và cơ cấu hợp lý. Có ý kiến cho rằng, nếu chưa đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ cán bộ theo yêu cầu thì không được duyệt hoặc để trống để bổ sung đúng đối tượng.

Đề án cũng đánh giá về ưu, khuyết điểm, chỉ rõ những nguyên nhân, những hạn chế, bất cập và yếu kém, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng chạy chức, chạy quyền; các đại biểu đồng ý với các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cần đồng bộ các nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, quan tâm đến việc học tập, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác cán bộ nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ về công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu việc thành lập Trung tâm tuyển dụng công chức, viên chức cấp quốc gia...

Các đại biểu cũng đã chú trọng nhấn mạnh quan điểm với những vấn đề cụ thể như: chống suy thoái, nạn chạy chức, chạy quyền, kiểm soát quyền lực, đẩy lùi những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng…; đóng góp ý tưởng đổi mới, trên cơ sở đó cụ thể hóa thành giải pháp để tạo nên chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, các đại biểu đi sâu thảo luận về những mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong dự thảo Đề án, nhằm hoàn thiện Đề án theo hướng tinh gọn, khả thi, sát hợp với tình hình thực tiễn, với trọng tâm là nội dung tiếp tục đổi mới công tác cán bộ.

Nhiều điểm đột phá trong tiêu chí và tuyển chọn cán bộ

Theo đồng chí Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ chức Trung ương, cán bộ cấp chiến lược được hiểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương. Đây là những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban bí thư với khoảng hơn 600 người.

Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, Đề án đã đề xuất nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn về lĩnh vực này.

Theo đó, cùng với những tiêu chuẩn chức danh thuộc diện Ban chấp hành trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý, cán bộ cấp chiến lược phải đáp ứng thêm các yêu cầu như có khát vọng đưa đất nước phát triển, tầm nhìn xa trông rộng và khả năng truyền cảm hứng...

Việc đánh giá cán bộ cấp chiến lược sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, địa phương và so sánh với các chức danh tương đương; đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải trực tiếp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan và tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân để nắm rõ cán bộ.

"Quy trình đánh giá cũng được đổi mới theo hướng bản thân tự đánh giá, tập thể và cấp trên đánh giá, rồi cấp dưới và người dân nơi cư trú đánh giá khi cần thiết, nghĩa là đánh giá 360 độ", đồng chí Phạm Quang Hưng nhấn mạnh.

Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất, việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh. Ứng viên phải trình bày chương trình hành động, cam kết chịu trách nhiệm, bầu cử kết hợp với thi tuyển.

Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng; xác định rõ khái niệm tiêu chí về nhân tài cũng như quan điểm phát triển, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy; những cơ chế, chính sách để nhân tài phát triển, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược.

Theo đồng chí Phạm Quang Hưng, Đề án nêu trên được xây dựng đảm bảo sự đồng bộ, hiêu quả với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Công tác chuẩn bị là hết sức công phu, bài bản và được lấy ý kiến góp ý của các cấp, theo đồng chí Phạm Quang Hưng, nếu được Trung ương thông qua và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ thì Đề án sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ trong thời gian tới./.

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực