Sinh thời, Đồng Tháp là mảnh đất mà sâu thẳm trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu khi chưa được đặt chân đến. Đó không chỉ là một phần của Tổ quốc Việt Nam máu thịt, ở nơi đó, còn có phần mộ của người cha vô cùng kính yêu của Người – Nhà yêu nước – Nhà nho Nguyễn Sinh Sắc. Những năm năm 1927-1929, cụ Nguyễn Sinh Sắc về Cao Lãnh (Đồng Tháp) làm nghề bốc thuốc, trị bệnh cho bà con, dạy học cho trẻ em và truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân. Năm 1929, sau khi Cụ mất, với tình cảm biết ơn vì những công lao mà cụ Nguyễn Sinh Sắc để lại cho bà con, nhân dân địa phương đã góp tiền mua đất an táng Cụ. Ghi nhận những công lao của Cụ với mảnh đất này, năm 1975, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc tại thành phố Cao Lãnh.
|
Các mô hình Hội quán góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái ở Đồng Tháp. |
Thấu tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một người con chưa một lần được đến thắp hương mộ cha, chưa từng được thăm mảnh đất mà cha mình gắn bó vào những năm cuối cuộc đời - cũng như tấm lòng của một vị Chủ tịch cả cuộc đời vì dân vì nước, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp càng trân quý hơn một tài năng, một trí thức có tầm nhìn xa trông rộng, còn một phút cuối cuộc đời cũng dành cho dân, cho nước với lời căn dặn “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Người ra đi trong sự thương tiếc của Nhân dân cả nước, đã để lại bản Di chúc bất hủ lay động lòng người. Bản Di chúc thể hiện tình cảm chân thành, trí tuệ sâu sắc, đạo đức cao cả, tâm hồn rộng mở, trái tim nhân ái và khoan dung, cùng với tầm nhìn vượt thời đại của người cộng sản, đã trở thành ngọn đèn soi sáng con đường cách mạng, vạch ra mục tiêu, phương hướng phát triển và con đường đi đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nhận thấy những giá trị to lớn ấy trong bản Di chúc, 55 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp luôn khắc ghi lời Bác dặn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đoàn kết chung sức xây dựng quê hương đất nước.
Việc xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp được thực hiện đồng bộ làm cho diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi. Đến nay, có 100% xã (115/115 xã) đạt chuẩn nông thôn mới và 38/115 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 3 thành phố Sa Đéc, Cao Lãnh và Hồng Ngự hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung và Châu Thành. Tỉnh Đồng Tháp là địa phương đi đầu cả nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nổi bật với 147 mô hình “Hội quán” với gần 7.600 thành viên chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh; phát triển mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”.
Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai mạnh mẽ thông qua tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, Chương trình Ươm tạo Đàn sếu khởi nghiệp Đất Sen hồng, toàn tỉnh có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, có trọng tâm, trọng điểm; ngành công nghiệp phát triển khá với động lực chính là công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 70.271 tỷ đồng, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 11.354 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của ngành ước đạt 6,4%.
Ngành du lịch tăng trưởng khả quan, ước tính cả năm 2023 thu hút 4 triệu lượt khách, tăng 13,6% so với năm 2022,tổng thu ước đạt 1.900 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch tỉnh ước đón 2,85 triệu lượt khách, tăng 36,83% so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu du lịch ước đạt 1.130 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 5,12%/năm. Năm 2022, Đồng Tháp đứng thứ 5/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về tốc độ tăng trưởng; về quy mô kinh tế, Đồng Tháp đứng thứ 6 ở khu vực. GRDP bình quân/người năm 2023 đạt 68,83 triệu đồng.
|
Đồng Tháp quyết tâm thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XII, giai đoạn 2020-2025. |
Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững…
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường và đi vào nền nếp. Tính đến nay, Đảng bộ tỉnh có 27 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 12 đảng bộ huyện, thành phố, 1 đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, 3 đảng bộ lực lượng vũ trang, 3 ban cán sự đảng, 8 đảng đoàn; 539 tổ chức cơ sở đảng, với 64.403 đảng viên, chiếm 4,02% dân số. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và các Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh ủy.
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Đồng Tháp luôn chú trọng việc thực hiện việc học và làm theo Bác, đã duy trì 1.300 mô hình hay, cách làm hiệu quả và xây dựng mới 140 mô hình học và làm theo Bác trên các lĩnh vực của đời sống xã hội... Đặc biệt, ngày 26/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức Hội nghị sinh hoạt chính trị, tư tưởng “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với hơn 39.300 cán bộ, đảng viên tham dự. Qua hội nghị, Đảng bộ tỉnh tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Di chúc, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, thực hiện tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên.
Những kết quả cũng đó thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Đồng Tháp, là minh chứng cụ thể khẳng định cho việc Đảng với dân một ý chí, cùng thực hiện ước nguyện của Bác trong Di chúc. Đồng chí Phan Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền thực hiện Di chúc như phát động phong trào thi đua; tổ chức thi tìm hiểu về Di chúc, về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng tuyên truyền, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong học và làm theo gương Bác, tạo động lực, kích hoạt hình thành các phong trào thi đua sôi nổi để xây dựng Đồng Tháp ngày càng giàu mạnh, vun đắp cho cuộc sống nhân dân ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.