Nhắc đến phụ nữ là nói đến phồn vinh, hạnh phúc và giàu có

22:28 26/03/2025

Sáng 25/3, khoảng 200 đại biểu tham dự Diễn đàn liên thế hệ "Phụ nữ và Bình đẳng giới trong kỷ nguyên mới" tại Hà Nội. Diễn đàn nhằm ghi nhận những đóng góp của phụ nữ Việt Nam với sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định những thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ qua 30 năm Việt Nam thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh năm 1995 (Tuyên bố và Cương lĩnh).

Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (giữa) và bà Pauline Tamesis (phải ảnh), Điều phối viên thường trú Cơ quan Liên hợp quốc, tặng hoa các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận “Thảo luận Liên thế hệ về vai trò của phụ nữ trong thúc đẩy bình đẳng giới qua các thời kỳ”

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Thảo luận Liên thế hệ về vai trò của phụ nữ trong thúc đẩy bình đẳng giới qua các thời kỳ”, các khách mời là bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị phụ nữ thế giới Lần thứ 4 tại Bắc Kinh năm 1995; bà Nguyễn Phương Nga, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nguyên Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ về những thành tựu và các yếu tố đóng góp của các thế hệ phụ nữ trong thúc đẩy bình đẳng giới.

Tại Diễn đàn, bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị phụ nữ thế giới Lần thứ 4 tại Bắc Kinh năm 1995 nhấn mạnh rằng Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh là một văn kiện quan trọng, thúc đẩy các quốc gia hành động vì bình đẳng giới. Đối với Việt Nam, Tuyên bố và Cương lĩnh đã tiếp thêm động lực để Chính phủ nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ. Bà khẳng định đây là “bản thiết kế hành động tích cực, tiến bộ”, đồng thời ghi nhận đó là trí tuệ, trách nhiệm và là sự nhìn nhận về bình đẳng giới. Việc trao quyền cho phụ nữ là một cuộc cách mạng đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện.

Bà Trương Mỹ Hoa chỉ ra những thành tựu đáng kể của đất nước sau khi thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh

Bà Trương Mỹ Hoa cũng chỉ ra những thành tựu đáng kể sau khi thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh như: xây dựng các văn bản chính sách pháp luật; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó quy định tài sản phải đứng tên cả hai vợ chồng là bước tiến quan trọng, giúp phụ nữ có quyền bình đẳng về kinh tế. Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh thông qua việc lồng ghép giới trong mọi lĩnh vực, thể hiện rõ nét qua việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, tham chính và tham gia phát triển kinh tế để khi nói đến phụ nữ là nói đến phồn vinh, hạnh phúc và giàu có.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Phương Nga, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được sau khi thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh. Đặc biệt khi cộng đồng bạn bè quốc tế cũng đánh giá cao cam kết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong việc đảm bảo quyền, lợi ích cho phụ nữ; đồng thời xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để phụ nữ tham gia chính trị, góp phần quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về đời sống hay phát triển kinh tế - xã hội. Theo bà chia sẻ, bạn bè quốc tế ấn tượng với sự năng động, tích cực của phụ nữ Việt Nam khi tham gia nhiều lĩnh vực trên cả nước và tin tưởng phụ nữ Việt Nam trong phối hợp triển khai các hoạt động chung; đồng thời, đánh giá cao việc phụ nữ Việt Nam thể hiện vai trò nổi bật khi tham gia vào các hoạt động quốc tế và thực hiện mạnh mẽ các cam kết quốc tế.

Bà Nguyễn Phương Nga cho rằng, việc lồng ghép giới cần thực hiện xuyên suốt trong các chính sách, đặc biệt là công tác chuyển đổi số

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng khoảng cách giới và bạo lực giới vẫn là những thách thức đối với phụ nữ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ. Phụ nữ cần trang bị kỹ năng để tận dụng cơ hội việc làm mới, được giáo dục tiếp cận thông tin hiện đại, xóa bỏ khoảng cách giới, xóa bỏ chênh lệch giàu nghèo và vùng miền. Việc lồng ghép giới cần thực hiện xuyên suốt trong các chính sách, đặc biệt là công tác chuyển đổi số, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu của phụ nữ trước tác động của xã hội số, đảm bảo họ được bảo vệ cả trong không gian thực và ảo.

Chia sẻ tại chương trình, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nguyên Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phụ nữ đã đạt nhiều thành tựu trong lao động, đa dạng hóa ngành nghề, xây dựng các thương hiệu trong nước và quốc tế. Đáng chú ý, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 25-35% giá trị xuất khẩu của đất nước và tiên phong áp dụng các mô hình kinh doanh mới.

Các đại biểu tại phiên thảo luận 

Tuy vậy, bà cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản tiềm ẩn trong kỷ nguyên số, xuất phát từ yếu tố văn hóa và các nguyên nhân khác. Bạo hành trên không gian số gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của phụ nữ. Gia đình là tế bào của xã hội, do đó cần sự chung tay của cả nam giới và nữ giới để bảo vệ lẫn nhau, cùng tiến bộ và phát triển.

Phiên thảo luận khép lại với thông điệp mạnh mẽ về bình đẳng giới và sự cần thiết phải tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, hướng tới một xã hội văn minh, tiến bộ và bền vững.

Minh Trang - https://hoilhpn.org.vn/