Ngày 28/3, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội về việc triển khai các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
![]() ![]() ![]() ![]() |
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Theo Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 51 điều/91 điều so với Luật hiện hành. Bên cạnh đó, thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nhiều dự án luật khác.
Trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý toàn diện, như: Việc không tổ chức cấp huyện dẫn tới phải nghiên cứu sửa đổi nhiều điều, khoản của dự thảo Luật về giám sát của Hội đồng nhân dân cấp huyện; nghiên cứu về cơ chế giám sát đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khu vực, cơ quan thi hành án dân sự...
Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất sửa đổi toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng thời, các đại biểu cho ý kiến tập trung vào 8 vấn đề lớn: Khái niệm giám sát; thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội; nguyên tắc hoạt động giám sát; bổ sung hoạt động giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bổ sung quy định về phối hợp giám sát thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế, dự án hợp tác với nước ngoài; quy định giám sát chung của các cơ quan dân cử các cấp; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; thời điểm Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét báo cáo.
![]() ![]() ![]() ![]() |
![]() |
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, lần sửa đổi này phải bám sát định hướng về đổi mới công tác lập pháp, đổi mới tư duy và cách làm; thực hiện sửa đổi toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chứ không sửa đổi, bổ sung một số điều. Cách làm này phù hợp với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần sửa các khái niệm sao cho rõ ràng, dễ hiểu, đặc biệt là khái niệm giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; trả lời cho được bản chất của giám sát, hệ quả pháp lý là gì; làm rõ nội hàm nguyên tắc hoạt động giám sát; cân nhắc bổ sung quy định khi cần thiết phối hợp giám sát thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế, dự án hợp tác nước ngoài... Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổ chức các hội thảo khoa học, mời các chuyên gia cùng đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, bắt kịp với xu thế phát triển mới của đất nước./.
Phan Phương (TTXVN)