Thành phố Odense (Đan Mạch): 120 năm thiên đường xe đạp

Thứ bảy, 26/02/2011 18:49

Thành phố Odense không chỉ được biết đến là quê hương của nhà văn nổi tiếng Hans Christian Andersen mà còn được mệnh danh là “thành phố xe đạp” của đất nước Đan Mạch. Từ năm 1891, đến nay vừa tròn 120 năm, người dân thành phố Odense đã sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại thay cho xe ngựa vì tính hiện đại và tiện ích của loại phương tiện này.

Số người sử dụng xe đạp của thành phố ngày càng tăng, nhất là cuối thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới năm 1973 dẫn tới việc khan hiếm xăng, dầu, người sử dụng ôtô phải xếp hàng dài và mất nhiều thời gian khi mua xăng, nên nhiều người chuyển sang dùng xe đạp. Mặt khác, chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích sử dụng xe đạp.

Năm 1976, chính quyền thành phố mở rộng phát triển đi lại bằng xe đạp; năm 1979 chương trình giáo dục an toàn giao thông trong trường học bao gồm cả việc hướng dẫn cách sử dụng xe đạp an toàn cho học sinh.

Từ năm 1999 - 2002, Chính phủ và thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ như tập trung cải thiện đường dành cho xe đạp, tạo môi trường thuận tiện cho sử dụng xe đạp, giáo dục, hướng dẫn cách đi xe đạp an toàn. Đã có 50 dự án được đầu tư với tổng kinh phí 2,7 triệu Krone (tiền Đan Mạch) để kêu gọi người dân sử dụng xe đạp, nên số người sử dụng xe đạp tăng đáng kể. Đồng thời, Chính phủ xác nhận Odense là thành phố đi xe đạp của Đan Mạch.

Phần lớn các tuyến phố đều có làn đường dành riêng cho xe đạp, rất êm thuận; hè đường và mặt đường gần bằng nhau, thuận tiện cho người đi xe đạp; đầu tư làm hầm cho xe đạp đi tại một số điểm để bảo đảm an toàn; mùa đông khi tuyết rơi ưu tiên dọn tuyết trên làn đường xe đạp trước.

Các bãi, nhà để xe đạp được bố trí thuận tiện, có dây khóa, có bơm lốp công cộng (các bãi để xe đạp không có người giữ xe) và có biển báo bãi để xe đạp. Nhà để xe có đèn chiếu sáng, có máy nghe nhạc, bình nước uống cho người đi xe đạp. Nhiều nhà để xe được thiết kế 2 tầng.

Luật giao thông của Đan Mạch cũng ưu tiên cho người đi xe đạp. Ví dụ như tại ngã ba khi đèn đỏ xe đạp được phép đi thẳng, quy định người lái ôtô phải nhường đường cho xe đạp qua đường.

Chính quyền thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, quảng cáo sử dụng xe đạp; giáo dục, vận động học sinh sử dụng xe đạp đi học; hướng dẫn học sinh đi xe đạp an toàn. Tổ chức nhiều đợt phát tờ rơi tuyên truyền kèm theo phát trái cây (táo, lê...) cho học sinh lớp 5 đi xe đạp. Phát đèn xe đạp và miếng dán phản quang phát sáng ban đêm miễn phí cho học sinh để tăng thêm yếu tố an toàn.

Bên cạnh các hoạt động tuyên tuyền giáo dục pháp luật, lực lượng CSGT thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm vi phạm của người đi xe đạp, nhất là các lỗi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi sai làn đường... nên người đạp xe rất tự giác chấp hành luật giao thông.

Nhiều chiến dịch khuyến khích sử dụng xe đạp được phát động trên toàn quốc kết hợp với việc trao giải thưởng cho người đi xe đạp nhiều nhất (trị giá 500 Krone). Thành phố Odense tổ chức lễ phát động chiến dịch khuyến khích sử dụng xe đạp với sự tham gia của Thị trưởng thành phố. Hiện trong bảo tàng Andersen có trưng bày chiếc xe đạp cổ mà nhà văn sử dụng làm phương tiện đi lại.

Xe đạp luôn được nghiên cứu, cải tiến để nâng cao chất lượng, tăng tính tiện ích, tạo cảm giác thân thiện với con người, môi trường; nhiều loại xe đạp có thể gấp bỏ trong cốp ôtô để người sử dụng có thể đạp xe từ bãi đỗ ôtô đến nơi làm việc. Một chiếc xe đạp loại trung bình có giá khoảng 500 USD.

Pháp luật không quy định đi xe đạp phải đội mũ bảo hiểm nhưng thành phố Odense vẫn khuyến khích người dân đội mũ bảo hiểm để bảo đảm an toàn. chính quyền sở tại đã thành lập hiệp hội người đi xe đạp với hơn 10.000 người tham gia, đây là diễn đàn để tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức thiết kế, biểu diễn thời trang mũ bảo hiểm với nhiều kiểu dáng, màu sắc, hình vẽ đẹp, phù hợp với sở thích của tuổi trẻ, học sinh.

Ngoài dùng để đi lại, xe đạp còn là phương tiện vui chơi, giải trí, rèn luyện, nâng cao sức khỏe hữu hiệu (xe đạp địa hình, xe đạp đua). Đua xe đạp trở thành môn thi thể thao được nhiều người dân thành phố yêu thích. Năm 2010, thành phố Odense tham gia triển lãm xe đạp thế giới tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Trong thời gian tới, thành phố dự kiến sẽ có dự án phát xe đạp cho công chức; phát xe đạp điện cho một số người hàng ngày đi lại trên 10km bằng xe đạp; tổ chức thêm bãi đỗ xe đạp; cải tiến tổ chức giao thông để hạn chế hoặc cấm ôtô chạy qua trung tâm thành phố. Dự kiến đến 2012, người đi xe đạp đạt 25%, năm 2020 đạt 35%.

Xe đạp không chỉ giúp hạn chế gia tăng ôtô cá nhân mà còn góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, và là nét văn hóa giao thông đặc trưng của thành phố Odense-Đan Mạch.

Việt Nam có thể học tập những kinh nghiệm của thành phố Odense trong việc khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, nhất là đối với các đô thị loại 1, loại 2. Xe đạp là phương tiện giao thông rất phù hợp với người có cự ly đi lại dưới 5 km. Và xe đạp sẽ chở thành phương tiện thân thiện, gần gũi, được nhiều người dân Việt Nam sử dụng trong thời gian không xa.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực