Vai trò của giao thông vận tải trong phát triển công nghiệp hậu cần Hàn Quốc

Thứ bảy, 17/12/2011 17:47

Vận tải hàng không Hàn Quốc (Ảnh: TT Hàn Quốc)

(ĐCSVN) - Thế mạnh của Hàn Quốc là hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là giao thông đường bộ, đường hàng không và đường biển. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải được xem là nhân tố có vai trò quan trọng nhất trong toàn bộ chính sách phát triển công nghiệp hậu cần Hàn Quốc.

Hậu cần Hàn Quốc tăng trưởng nhanh nhờ có dịch vụ giao thông vận tải hàng không và đường biển thuận tiện ở phía Đông Bắc Trung Quốc, bờ biển phía tây Nhật Bản và ở khu vực viễn đông của Nga. Với vị trí địa lý thuận lợi nối liền với các đại dương và lục địa, các cảng huyết mạch của Hàn Quốc có thể neo đậu được các tàu thuyền container hàng hóa xuất nhập khẩu có trọng tải lớn và tối ưu hóa được tính hiệu quả của các làn đường tàu thuyền tốc độ cao. Tính cạnh tranh của cơ sở hạ tầng hậu cần được tính bằng khả năng và tốc độ vận chuyển hàng hóa. Các cảng Hàn Quốc có tầm quan trọng đặc biệt. Xu hướng chung hiện nay của các quốc gia là thiết kế các tàu thuyền chuyên chở lớn. Trong khi đó, sản xuất tàu thuyền lớn (vessels) là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc sang các nước thành viên châu Âu như: Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha.

Giao thông đường bộ. Đường cao tốc Seoul – Busan giúp hiện đại hóa nền kinh tế Hàn Quốc. Khi xây dựng tuyến đường cao tốc Seoul-Busan, Hàn Quốc vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 200 USD. Việc xây dựng đường cao tốc Seoul-Busan kết nối thủ đô Seoul với thành phố lớn thứ hai của cả nước là Busan được bắt đầu từ năm 1968 và đã hoàn thành cuối năm 1970. Quyết định xây dựng đường cao tốc Seoul-Busan là một trong những bước đi đúng đắn nhất thể hiện tầm nhìn của tổng thống Park Jung Hee. Con đường cao tốc Seoul - Busan dài 428 km giúp người dân đi đến mọi vùng trong cả nước chỉ trong một ngày, kết nối hai trung tâm kinh tế của đất nước, chiếm khoảng 63% tổng dân số Hàn Quốc, 63% tổng sản phẩm quốc nội và 83% giá trị sản lượng công nghiệp. Tuyến đường đã mở ra những dự án kinh tế tập trung dọc theo hành lang Seoul-Busan, đưa Busan trở thành một cảng biển sầm uất nhất, đồng thời phát triển Seoul trở thành trung tâm kinh tế của cả nước. Tuyến đường cũng đóng góp lớn cho ngành xuất khẩu của Hàn Quốc thông qua việc cắt giảm chi phí hậu cần và thời gian vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất.

Vận tải hàng không. Sân bay quốc tế Incheon IIA (Incheon International Airport) của Hàn Quốc (bắt đầu hoạt động năm 2001) với một tổ hợp dịch vụ hậu cần rộng 470,000 m2 đã vận chuyển được khối lượng hàng hóa lớn nhờ ưu thế thuận lợi, đó là:

Thứ nhất, khoảng cách từ Incheon tới New York ngắn (11000 km) so với 13000 km từ Hong Công và 15000km từ Singapore; Incheon cung cấp dịch vụ bay tới 33 thành phố lớn của Trung Quốc, 26 thành phố lớn của Nhật Bản và có đường bay tới tất cả các nước trong khu vực châu Á.

Thứ hai, Incheon nối với 51 thành phố với hơn 1 triệu dân chỉ trong khoảng 3,5 giờ bay hoặc ít hơn; Điều đó có nghĩa là, Incheon có nhiều tiềm năng cung cấp dịch vụ chuyên chở hàng hóa và hành khách tới các thị trường chính có dung lượng lớn.

Thứ ba, trên thế giới có 61 công ty hàng không (tính đến thàng 10/2008) cung cấp dịch vụ tới sân bay quốc tế Incheon. Incheon nối liền với 157 thành phố tại 49 quốc gia. Năm 2010, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Hàn Quốc tăng 7,8% (khoảng 3.69 triệu tấn), vận chuyển bằng đường tàu hỏa tăng ở mức thấp hơn 3,5% (45.831 triệu tấn).

Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Incheon của Hàn Quốc cũng được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới trong số 170 sân bay quốc tế. Incheon đã duy trì tốc độ phát triển trung bình hằng năm ở mức 6% và trở thành sân bay vận chuyển hàng hóa lớn thứ 2, sân bay chở khách lớn thứ 8 thế giới. Một trong những ưu điểm nổi bật nhất của sân bay quốc tế Incheon là các dịch vụ xuất nhập cảnh nhanh nhất thế giới với 16 phút dành cho việc xuất cảnh và 12 phút dành cho nhập cảnh.

 Đường sắt Hàn Quốc (Ảnh: ST)

Giao thông đường thuỷ. Các cảng biển của Hàn Quốc nằm giữa Trung Quốc và Nhật Bản – 2 cường quốc lớn châu Á. Trong đó, 2 cảng biển lớn nhất là Busan và Gwangyang được nối với 45 cảng biển của Trung Quốc, 60 cảng biển của Nhật Bản và 5 cảng biển của Nga. Hai cảng Busan và Gwangyang đều có các bến cảng nước sâu với các điều kiện thiết bị hỗ trợ hiệu quả. Busan được xếp thứ 5 thế giới về khối lượng vận chuyển hàng hóa và được xem là đường vận chuyển quan trọng chính (trunk route) nối với thế giới và cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất tới các thành phố chính của Đông Bắc Á. Cảng Busan là một trong những cảng vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới và cũng là cảng lớn nhất Hàn Quốc, chiếm 66% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Hàn Quốc.

Cảng mới Busan (Busan New Port) được coi là con đường biển tơ lụa (marine silkroad) nối tất cả các cảng của Hàn Quốc với thế giới qua châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á, Trung Quốc, Nhật Bản. Hoạt động dịch vụ hậu cần của cảng Busan và Gwangyang đã thu hút đầu tư của 40 công ty trong ngành hậu cần và ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới.

Cảng Busan cung cấp 57 dịch vụ vận chuyển hàng hoá/tuần tới Nhật Bản và cung cấp 46 dịch vụ vận chuyển hàng hóa/tuần tới Trung Quốc. Phần lớn là các dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu tới các cảng lớn của Nhật Bản như: Tokyo, Yokohama, Osaka, Nagoya… Hàng nhập khẩu tại Nhật Bản được vận chuyển tới Hàn Quốc thông qua cảng Busan nhờ có những thế mạnh của cảng Busan như: Sự cạnh tranh về giá cả, các điều kiện thiết bị hỗ trợ hiệu quả và sự thông suốt tuyệt vời.

Đường sắt cao tốc. Đường sắt cao tốc Seoul-Busan là biểu tượng của công nghệ cao mang tính đột phá của Hàn Quốc. Kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt được hình thành từ năm 1992 và sau đó 12 năm, đến năm 2004 đã chính thức được khai thông. Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới sở hữu hệ thống tàu cao tốc. Ngày nay, tuyến đường sắt Seoul-Busan đã trở thành đường tàu huyết mạch nối với các nhánh tàu cao tốc phụ khác như: Đường tàu Honam tỏa đi các hướng, hình thành một mạng lưới giao thông cao tốc quốc gia.

Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Hàn Quốc nhận được sự chú ý của thế giới, đặc biệt của các quốc gia châu Á có tốc độ phát triển kinh tế nhanh là do: Một là, Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, thậm chí còn vượt qua một số nước phát triển và trở thành hình mẫu cho những nước kém phát triển khác; Hai là, Hàn Quốc đã tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác giao thông với sự tham gia của nhiều nước châu Á khác. Từ Diễn đàn này, nhiều nước muốn học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, đặc biệt sau khi sân bay quốc tế Incheon và đường sắt cao tốc KTX của Hàn Quốc được thế giới đánh giá cao; Ba là, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu đứng thứ 7 thế giới (2010) kể từ năm 1961, thời điểm mà Hàn Quốc là một trong những những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ có 82 USD và trở thành nền kinh tế hùng hậu thứ 11 thế giới, với mức thu nhập bình quân đầu người 27.000 USD (2010).

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực