An toàn giao thông 2009 và những hệ lụy cần “điều trị”

Thứ năm, 07/01/2010 15:07
  
                        Ảnh: Internet 

Vấn nạn ùn tắc giao thông, tình trạng chống lại người thi hành công vụ, đua xe trái phép...đã và đang tồn tại như những hệ lụy, thách thức không nhỏ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Thực trạng này đòi hỏi các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn cần tập trung nhiều hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa mới có thể thực sự làm chủ được tình hình, giải quyết được bài toán ATGT, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

*Ùn tắc giao thông thường nhật ở các thành phố lớn

Bất chấp những giải pháp liên tục được các ngành, địa phương đưa ra thử nghiệm, áp dụng, ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn, các tuyến quốc lộ vẫn liên tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự giao thông. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, năm 2009, toàn quốc có tới gần 230 vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 1 giờ, tăng 110 vụ (92%) so với năm 2008. Trong đó, Thủ đô Hà Nội có số vụ ùn tắc xảy ra nhiều nhất trong cả nước với gần 100 vụ.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2010 diễn ra trong hai ngày 6-7/1, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân tha thiết đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương chung tay cùng thành phố để xử lý nạn ùn tắc giao thông. Ông Lê Hoàng Quân dẫn chứng: Ùn tắc giao thông thời gian qua trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã ngăn cản sự lưu thông của rất nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp, nhà máy; kéo chậm tốc độ phát triển của thành phố.

Trong năm vừa qua, lực lượng Thanh tra giao thông Hà Nội đã thí điểm phân làn, đặt dải mềm phân cách tại các ngã tư có mật độ phương tiện giao thông tham gia lớn và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Hàng loạt các giải pháp như: bổ sung các vạch sơn, gờ giảm tốc, đèn cho người đi bộ ở các tuyến đường; tổ chức các cặp đường một chiều đồng bộ với phân luồng, phân làn phương tiện trên một số tuyến phố; bổ sung hệ thống biển báo giao thông; tăng cường cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông ở các vị trí thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm...đã được triển khai và có những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, đây chưa phải là những biện pháp mang tính ổn định, bền vững mà chỉ là cách tổ chức tình thế. Về lâu dài, thành phố cần xác định nguyên nhân, có giải pháp tổ chức giao thông cụ thể và khoa học hơn. Mới đây, chỉ đạo giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường nhật tại Thủ đô, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ban hành văn bản yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm đỗ, dừng phương tiện trên hè phố, lòng đường không đảm bảo điều kiện; cương quyết xóa bỏ các điểm trông giữ phương tiện ảnh hưởng đến giao thông. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thành phố phải lập các tổ công tác kiểm tra xử lý nghiêm khắc các phương tiện giao thông đi ngược chiều, lấn đường, đỗ sai quy định, nhất là tại các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Chính phủ cũng đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo các quận, huyện cần tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm lấn chiếm đường phố làm nơi bán hàng hoặc đổ phế thải nơi công cộng, lòng đường.

Xét về tổng thể, để “thanh lý” những “khối u” phát sinh liên quan đến ATGT, các cơ quan tham mưu của Chính phủ đã đề xuất nhiều phương án. Một trong số các đề xuất nhận được sự đồng thuận lớn nhất về tính cần thiết và hiệu quả của nó là việc xây dựng, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và nâng mức xử phạt đến mức độ cao hơn, đủ sức răn đe các hành vi vi phạm TTATGT. Trên thực tế, nếu áp dụng phương án này chắc chắn sẽ là một yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến túi tiền của người dân; buộc người tham gia giao thông phải luôn cảnh giác với việc vi phạm pháp luật về giao thông. Bên cạnh việc nâng cao mức xử phạt vi phạm giao thông, ý tưởng đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng cũng được cho là có tính khả thi cao. Tuy nhiên, mặc dù hầu hết các địa phương, thành phố lớn trong cả nước đều đã triển khai hệ thống buýt nội và ngoại đô nhằm giảm thiểu số lượng phương tiện giao thông cá nhân trên đường phố, nhưng có thể do cách bố trí chưa phù hợp nên biện pháp này chưa thực sự phát huy hết hiệu quả của nó. Một số lý do được đưa ra để giải thích thực trạng này như: Cách bố trí các tuyến xe buýt, loại xe buýt chưa hợp lý trên từng tuyến phố, bến đỗ, tình trạng chấp hành pháp luật ATGT kém của lái xe, thái độ phục vụ, các vấn đề về an ninh trật tự…

*Chống người thi hành công vụ gia tăng

Không chỉ có ùn tắc giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT tại các thành phố lớn trong cả nước còn đang phải đấu tranh thường xuyên với các hành vi chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép. Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, năm 2009, cả nước đã xảy ra gần 100 vụ chống lại lực lượng CSGT đang thi hành nhiệm vụ tại 26 tỉnh, thành phố, làm bị thương 32 CSGT. Lực lượng Công an đã bắt và xử lý 100 đối tượng liên quan. Tình trạng chống lại CSGT xảy ra nhiều nhất tại Hà Nội 38 vụ, Hải Phòng 11 vụ, TP.Hồ Chí Minh 10 vụ…Đặc biệt là đã có hàng chục đối tượng vi phạm lái xe đâm thẳng vào lực lượng CSGT. Riêng Hà Nội đã có 6 vụ CSGT phải nhảy lên nắp capô ôtô để tránh bị thương, trong đó có 3 trường hợp CSGT phải đu bám trên đầu xe hàng chục kilômét khi lái xe cố tình điều khiển xe chạy vòng vèo nhằm hất Cảnh sát xuống đường. Năm qua đã xảy ra 5 vụ điều khiển xe mô tô lạng lách đánh võng, gây rối trật tự công cộng có dấu hiệu đua xe trái phép (tại Hà Nội 4 vụ, Quảng trị 1 vụ). Công an Hà Nội đã bắt và khởi tố 29 đối tượng về tội gây rối trật tự công cộng. Tụ tập điều khiển xe mô tô dàn hàng ngang, lạng lách đánh võng trên đường xảy ra 85 vụ tại TP.Hồ Chí Minh; tập trung tại một số tuyến đường thuộc các quận nội thành. PC 26 TP.Hồ Chí Minh đã huy động lực lượng ngăn chặn, giải tán, không để xảy ra đua xe trái phép, tạm giữ 3.652 xe mô tô để xử lý.

*Cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa

Theo lý giải của Bộ Công an, nguyên nhân dẫn đến tình hình trật tự ATGT năm 2009 vẫn diễn biến phức tạp là do nhu cầu đi lại của người dân không ngừng gia tăng; lượng phương tiện giao thông mới liên tục tăng cao kéo theo những yếu tố làm quá tải mật độ phương tiện tham gia giao thông trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn chưa thực sự tự giác. Nhóm vi phạm nhiều nhất là người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, vi phạm các quy tắc tránh vượt.

Thực tế là tại bất kỳ một thành phố lớn nào, rất dễ để nhìn thấy tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Ở các khu đô thị, thói quen của người dân là sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, để phương tiện giao thông, họp chợ...Thói quen này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao thông và trật tự đô thị. Thêm vào đó, việc thiếu đồng bộ, chắp vá trong quy hoạch xây dựng đô thị với giao thông đô thị cũng gây ra những hệ lụy lớn cho việc tổ chức giao thông. Hầu hết các địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết, chủ yếu là đưa lực lượng ra đẩy đuổi, chưa quan tâm đến tổ chức sắp xếp nơi buôn bán, trông giữ phương tiện giao thông và đầu tư quản lý hệ thống giao thông tĩnh ở các đô thị.

Những thực trạng đáng buồn này đang tồn tại hàng ngày hàng giờ, đòi hỏi một nỗ lực cao hơn nữa, quyết liệt và đồng bộ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương. Tuy vậy, không chỉ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT mà mỗi người dân – những đối tượng tham gia giao thông cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc chấp hành pháp luật ATGT, góp phần chung tay cùng chính quyền, đoàn thể “điều trị” căn bệnh trầm kha ATGT, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực