Hà Nội đưa ra 6 giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông

Thứ năm, 18/03/2010 10:18
 

(ĐCSVN) – Làm việc với lãnh đạo TP.Hà Nội, ngày 17/3, Thường trực Chính phủ đã đồng ý 6 giải pháp của Hà Nội đề xuất để giảm thiểu ùn tắc giao thông và yêu cầu thành phố cần triển khai các giải pháp đồng bộ hơn, quyết liệt hơn.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành hữu quan, tình hình giao thông trên địa bàn Thủ đô có những chuyển biến tích cực, tình trạng ùn tắc giao thông bước đầu được kiểm soát.

Tháng 3/2009, trên địa bàn thành phố có 124 điểm nguy cơ xảy ra ùn tắc, song nhờ áp dụng nhiều biện pháp phân luồng, điều hành hướng dẫn, tổ chức giao thông, đến nay chỉ còn khoảng 60 điểm.

Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn còn rất lớn, nhất là vào giờ cao điểm, những dịp diễn ra các hoạt động và sự kiện lớn.

Những bất cập của giao thông Thủ đô

Theo lãnh đạo Hà Nội, có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn kéo dài và ngày càng trầm trọng. Trước hết, hạ tầng giao thông đô thị còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Chưa có tuyến đường vành đai nào được hoàn chỉnh theo quy hoạch, các nút giao thông hầu hết là đồng mức. Diện tích đường giao thông quá ít, mới chiếm khoảng 7% diện tích đất đô thị (theo quy hoạch là từ 15- 20% diện tích đất đô thị). Hầu hết các tuyến đường có mặt cắt hẹp (80% có mặt cắt dưới 11m). Hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ chưa nhiều.

Thứ hai, số lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng quá nhanh, khoảng 10% - 15%/năm. Đến nay, trên địa bàn thành phố có trên 300 nghìn ô tô các loại, gần 4 triệu xe máy, khoảng 1 triệu xe đạp. Lưu lượng phương tiện giao thông vượt quá khả năng thông hành của đường và các nút giao cắt. Diện tích đất đô thị dành cho các bãi đỗ xe còn thiếu, chỉ đạt 1,2% diện tích đất đô thị (theo quy hoạch là 5 – 6%). Vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô chủ yếu mới là xe buýt, chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa hình thành được các tuyến xe điện ngầm, đường sắt đô thị.

Thêm vào đó, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế. Trong khi đó, chế tài xử lý các vi phạm về trật tự giao thông, mức xử phạt chưa đủ để giáo dục, răn đe. Năng lực tổ chức giao thông, quản lý nhà nước về giao thông còn bất cập.

Đồng bộ giải pháp khắc phục

Thường trực Chính phủ nhất trí và đề nghị Hà Nội thực hiện quyết liệt 6 giải pháp đề xuất giảm thiểu ùn tắc giao thông Thủ đô.

Một là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông, nhất là Luật Giao thông đường bộ và nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông bằng nhiều hình thức khác nhau như giảng dạy trong nhà trường, trao đổi, tọa đàm, hội thảo, thông tin, tuyên truyền qua các cơ quan thông tin đại chúng… tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm an toàn, trật tự, giao thông.

Hai là khảo sát, tìm cách tổ chức lại các điểm, nút giao thông thường xuyên có nguy cơ bị ùn tắc. Bổ sung lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông để hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ ùn tắc trong giờ cao điểm.

Ba là tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự giao thông như: Rà soát, xử lý các điểm đỗ, dừng phương tiện không đảm bảo điều kiện, làm ùn tắc giao thông; xóa bỏ các điểm trông giữ xe ảnh hưởng đến giao thông; thường xuyên kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hóa đường bộ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Tăng cường bố trí phương tiện xe cứu hộ; kiên quyết xử lý các vi phạm lấn chiếm hè đường, nơi công cộng.

Bốn là đẩy nhanh việc điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Phấn đấu hoàn thành đúng thời hạn các công trình giao thông trọng điểm như: Đường Lạc Long Quân, đường nối phía Bắc cầu Vĩnh Tuy, đường 32 đoạn Nhổn – Sơn Tây, đường Nguyễn Phong Sắc, đường 32 đoạn Diễn – Nhổn, đường Láng – Hòa Lạc… 21 cầu vượt đường cho người đi bộ. Khởi công một số dự án: các tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông, Núi Trúc – Sơn Tây

Năm là phát triển mạnh vận tải hành khách công cộng, bổ sung thêm xe, tuyến xe buýt theo hướng xã hội hóa. Nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng một số bến xe quy mô lớn ở khu vực ngoại ô để phục vụ giao thông liên tỉnh.

Sáu là rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các quy định về quản lý hoạt động giao thông, bến xe; tăng cường thêm lực lượng hướng dẫn giao thông ở những điểm, nút thường xảy ra ùn tắc.

Đồng thời với các giải pháp trước mắt, thành phố Hà Nội cần tích cực triển khai các biện pháp lâu dài như giãn mật độ dân cư ở trung tâm nội đô; đầu tư nhanh hệ thống giao thông công cộng có năng lực vận chuyển lớn; xây dựng các chế tài giảm bớt làn sóng nhập cư ồ ạt vào thành phố; hạn chế tăng phương tiện giao thông cá nhân và tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm để giáo dục ý thức chấp hành./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực