Khoái Châu: Hiệu quả từ mô hình tự quản bảo đảm TTATGT

Thứ hai, 25/01/2010 10:27

(ĐCSVN) -Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban MTTQ tỉnh, từ tháng 9. 2009, tại 2 xã Đồng Tiến và Dân Tiến của huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã tiến hành xây dựng điểm mô hình tự quản bảo đảm TTATGT. Đến nay, mô hình đã đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm TTATGT trên tuyến Quốc lộ 39 cũng như các tuyến đường ở khu dân cư.

Đường vào khu dân dư thôn An Lạc (xã Đồng Tiến, Khoái Châu) những ngày này thật quang đãng, sạch sẽ với hàng hàng lối lối các cây xanh đã được tổ tự quản bảo đảm TTATGT phát quang gọn gàng; không còn thấy hình ảnh người đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, hay không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông như cách đây vài tháng…. Đường thông, hè thoáng, an ninh trật tự được bảo đảm, người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh luật, đi đúng phần đường, … Sự thay đổi này đã đem lại nhiều phấn khởi cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Huy Năng, chủ tịch MTTQ xã cho biết: Xã Đồng Tiến có khoảng hơn 1km Quốc lộ 39 đi qua, với gần 6000 nhân khẩu, ở 3 thôn là Kim Tháp, Thổ Khối và An Lạc. Trong các năm gần đây, theo điều tra khảo sát, trung bình mỗi năm trên địa bàn xã có tới hơn 10 vụ tai nạn giao thông, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Do vậy, ngay khi Ủy ban MTTQ tỉnh có chỉ đạo về việc xây dựng mô hình điểm tự quản bảo đảm TTATGT, lãnh đạo xã đã sớm chủ động xây dựng kế hoạch và thành lập ngay các tổ tự quản TTATGT tại các khu dân cư gồm 36 người, chủ yếu là thành viên của các ban công tác mặt trận thôn. Ngay từ những ngày đầu triển khai công tác bảo đảm TTATGT, các thành viên tổ tự quản đã được công an huyện Khoái Châu về tập huấn đầy đủ các kỹ năng, công tác tổ chức, quán triệt rõ mục đích, yêu cầu của nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn xã, đặc biệt là tại các tuyến đường liên thôn, liên xã… Sau đó, các tổ tự quản đã nhanh chóng tiến hành công tác khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế của địa phương. Kết quả cho thấy, hầu hết các vụ tai nạn xảy ra đều do ý thức chấp hành chưa nghiêm của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Có tới hơn 80% các vụ tai nạn giao thông là do thanh niên đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm… gây ra. Xã có 5 trục đường chính dài 5500 m đi qua các thôn, trong đó có 7 ngã ba và 12 ngã tư, là những điểm khuất tầm nhìn và dễ gây ra tai nạn giao thông, nhất là khi trời tối và sáng sớm.

Các tổ tự quản đã tổ chức họp xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền cụ thể và phân công trách nhiệm của từng thành viên. 3 lần mỗi tuần, trên hệ thống truyền thanh lại phát các chương trình phổ biến kiến thức pháp luật an toàn giao thông. Hàng chục khẩu hiệu được kẻ vẽ công phu, treo khắp các đường làng ngõ xóm đã gây chú ý và tác động vào tâm lý của đông đảo người dân. Không dừng lại ở việc tuyên truyền, ban chỉ đạo của xã đã phối hợp với các tổ tự quản tổ chức đến từng nhà người dân để vận động, tuyên truyền các thành viên trong gia đình khi tham gia giao thông phải có ý thức chấp hành nghiêm các quy định, bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Các ban ngành, đoàn thể đã vận động các thành viên ký cam kết có ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ông Hoàng Khắc Thiệu, chủ tịch hội người cao tuổi xã cho biết: Phát huy tinh thần gương mẫu đi đầu, hơn 300 thành viên trong hội người cao tuổi đã cùng ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Không chỉ tự mình thực hiện tốt các quy định, các cụ còn tích cực vận động, nhắc nhở con cháu trong gia đình thực hiện nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông: Đi bộ phải đi trên vỉa hè, chú ý quan sát khi sang đường, trước khi đi xe phải kiểm tra đầy đủ giấy tờ, đội mũ bảo hiểm, không lái xe khi đã uống rượu, bia,… Những bài học tưởng chừng như đơn giản nhưng nhiều khi lại chính là nguyên nhân gây nên những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, gây thương vong về người và của. Sự vào cuộc nhiệt tình của các đoàn thể đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân, đem lại nhiều kết quả đáng mừng. Trong thời gian qua, hầu như không có một vụ tai nạn lớn, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Thanh niên ra đường đã có ý thức hơn trong việc đội mũ bảo hiểm, đi đúng tốc độ, bảo đảm an toàn giao thông. Những lều quán, mái che, mái vẩy trước kia gây cản trở giao thông, hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện cũng đã được người dân tự giác dỡ bỏ…

Xã Dân Tiến là một trong những địa phương của huyện Khoái Châu có Quốc lộ 39 đi qua với nhiều khúc cua nguy hiểm, có nhiều phương tiện tham gia giao thông, và đây đã từng là một trong những "điểm đen" về mất an toàn giao thông. Ông Lê Tiến Thành, trưởng ban công tác mặt trận xã Dân Tiến cho biết: Với hơn 3km quốc lộ và nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, những năm qua, trên địa bàn xã đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an ninh của xã. Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để sản xuất kinh doanh diễn ra khá phổ biến, là một trong những nguyên nhân gây ách tắc giao thông và các vụ tai nạn. Do vậy, việc triển khai mô hình tự quản bảo đảm trật tự an toàn giao thông không chỉ góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông mà còn là một hình thức phối hợp hiệu quả nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông của địa phương, tổn thất về người và tài sản… Vừa qua, xã đã tổng kết và đánh giá kết quả của mô hình tổ tự quản bảo đảm TTATGT. Số vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm rõ rệt. Ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện cũng được nâng lên. Không còn cảnh lạng lách, đánh võng trên đường, người dân đã tự giác tháo dỡ lều quán, góp phần giải tỏa ách tắc tại các ngã ba, ngã tư và các khúc cua trên Quốc lộ thuộc địa phận xã quản lý… Anh Nguyễn Văn Hùng (thôn Yên Lịch, xã Dân Tiến) phấn khởi nói: Sự vào cuộc tích cực của các thành viên trong tổ tự quản đã góp phần vào việc ổn định và bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho đông đảo nhân dân trong xã. Ý thức của người tham gia giao thông đã có chuyển biến rõ nét, hạn chế hiện tượng thanh niên đi xe phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, chở 3- 4 người… Trong thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông đã giảm hẳn so với trước.

Sau thời gian triển khai mô hình tổ tự quản bảo đảm TTATGT, các xã đã tổ chức tuyên truyền cho gần 2000 lượt người dân về luật giao thông đường bộ, phát hàng nghìn tờ rơi, cùng hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu được treo khắp các đường phố; đã có hơn 2000 hộ gia đình ký cam kết không vi phạm TTATGT, nhiều hộ tự giác chặt cây che khuất tầm nhìn, tháo dỡ mái che, mái vẩy,… Đã có nhiều tấm gương được biểu dương, hiểu biết, ý thức của người dân về an toàn giao thông được nâng lên, đồng thời số vụ tai nạn giao thông giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Thành thì nhận thức của người dân về việc bảo đảm an toàn cho bản thân và người xung quanh vẫn chưa thực sự đồng đều, vẫn còn một số cán bộ địa phương, có lúc có nơi chưa chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Do vậy, cần tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản bảo đảm TTATGT tại các thôn, xóm. Bên cạnh đó, để hoạt động của các tổ tự quản tiếp tục phát huy hiệu quả, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ kinh phí và tập huấn chuyên môn… Đặc biệt, trong dịp Tết âm lịch tới đây, khi lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng lên đột biến, người dân đi làm xa về quê ăn tết, thì càng cần sự có mặt của các thành viên trong tổ tự quản để cùng với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông, bảo đảm cho người dân có một cái tết vui vẻ và an toàn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực