Nan giải làm rào cách ly đường sắt

Thứ ba, 09/03/2010 09:44

  
   Không thể làm rào cách ly trong khi chưa làm đường gom. 
                             Ảnh: Đức Trí
 
Sau nhiều vụ TNGT đường sắt thảm khốc, ngành đường sắt đã tiến hành làm rào cách ly, xóa bỏ bớt đường ngang dân sinh bất hợp pháp ở nhiều tuyến đường sắt. Tuy nhiên, việc triển khai lại “đầu voi đuôi chuột” nên gây bức xúc cho người dân.

Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, số các vụ TNGT đường sắt xảy ra tại đường ngang có rào chắn chỉ chiếm 0,9%, còn lại đều xảy ra tại đường ngang dân sinh.

TNGT đường sắt xảy ra nhiều nhất ở các địa phương có mật độ đường ngang dân sinh lớn như các khu vực: Giáp Bát - Văn Điển - Thường Tín (Hà Nội); Mỹ Lý - Quán Hành (Nghệ An); Ngã Ba - Cà Rôm (Khánh Hòa); Biên Hòa - Hố Nai (Đồng Nai)… Trong đó, điển hình là khu Văn Điển - Thường Tín, HN (đoạn địa phận xã Ngọc Hồi), chỉ có 500m đường sắt nhưng có tới 166 đường ngang dân sinh. Đoạn đường này cong, tầm nhìn hạn chế và đặc biệt không có hệ thống cảnh báo, nên chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây đã xảy ra 13 vụ TNGT nghiêm trọng, làm 16 người chết.

Để ngăn chặn TNGT, tại các điểm nóng ngành đường sắt đang tích cực triển khai làm rào chắn cách ly đường sắt với đường bộ, làm đường gom cho dân đi, tiến tới xóa bỏ các đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Thế nhưng, có một thực tế, ở nhiều địa phương, các bức tường rào vừa mới mọc lên đã gây phản cảm và không phát huy tác dụng khi liên tục bị ngắt quãng bởi các đường ngang dân sinh.

Ông Nguyễn Văn Chỉnh (Văn Điển - Thanh Trì - HN) cho rằng, không thể làm rào cách ly trong khi chưa làm đường gom cho dân đi. Như vậy khác nào bịt lối đi của người dân. Lẽ ra việc làm rào chắn phải tiến hành đồng thời với việc làm đường gom, mở đường ngang hợp pháp, có cảnh báo.

Nhiều người dân sống dọc đường sắt đoạn chạy qua Văn Điển - Thường Tín còn bức xúc về việc rào cách ly không theo quy chuẩn nào, có nhà bị rào, có nhà không và các đường ngang trước cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh hầu như còn nguyên. Trong khi chính những đường ngang này gây mất ATGT còn lớn hơn, do mật độ người qua lại đông.

Giải thích về tình trạng này, ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban ATGT đường sắt (Tổng cục Đường sắt) cho biết: “Người dân phản ứng rất quyết liệt khi bị bịt lối đi. Họ sẵn sàng phá bỏ hàng rào cách ly để mở đường ngang bất hợp pháp. Chúng tôi không thể làm được nếu không có sự phối hợp với chính quyền địa phương”.

Cũng theo ông Bình, ngành đường sắt đã có dự án lập đường gom, rào cách ly với kinh phí hơn 313 tỷ đồng; xây dựng hàng rào ngăn cách đường bộ với kinh phí hơn 283 tỷ đồng; xây dựng đường ngang mới, làm cầu vượt, hầm chui với kinh phí hơn 160 tỷ đồng. Kế hoạch, kinh phí đã có, thế nhưng việc triển khai làm đường gom và rào cách ly đang gặp nhiều trở ngại. Trong đó trở ngại lớn nhất chính là sự phối hợp giữa ngành và các địa phương.

Để làm được đường gom dân sinh, cần phải giải phóng mặt bằng. Thế nhưng khi ngành đường sắt nôn nóng các địa phương lại đủng đỉnh. Đó là chưa kể nhiều địa phương vẫn sẵn sàng cấp đất cho dân làm nhà bất chấp vi phạm hành lang ATGT đường sắt.

Rõ ràng, việc phối hợp giữa ngành đường sắt và các địa phương trong việc lập lại trật tự ATGT đường sắt đang có nhiều vấn đề. Và như vậy, việc xây dựng rào cách ly, đường gom càng trở nên nan giải, đồng nghĩa với nguy cơ mất ATGT đường sắt sẽ còn kéo dài.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực