TP. Hồ Chí Minh: Phát triển hệ thống đường dành riêng để cải thiện mạng lưới xe buýt

Thứ hai, 15/03/2010 09:19

Phát triển hạ tầng giao thông vận tải công cộng là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh. Song song với sự phát triển của mạng lưới metro, việc tái thiết mạng lưới xe buýt là rất cần thiết, trong đó việc triển khai thực hiện hệ thống đường dành riêng cho xe buýt (BRT, xe buýt nhanh) sẽ cải thiện đáng kể mạng lưới xe buýt hiện hữu đồng thời kết nối đồng bộ với mạng lưới metro. Những nhận định và đề xuất trên được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra tại hội thảo về triển vọng của các dự án BRT ở TP. Hồ Chí Minh, diễn ra trong hai ngày 11 – 12/3.

TP. Hồ Chí Minh hiện có 148 tuyến buýt với 3.096 xe buýt, vận chuyển trên 342 triệu lượt hành khách/năm (năm 2009), 937.600 hành khách/ngày, mới chỉ đáp ứng 5,4% nhu cầu đi lại của người dân (vận tải hành khách công cộng đáp ứng 7,2% nhu cầu đi lại). Hệ thống xe buýt không thu hút, hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn chưa có, trong khi lượng xe máy gia tăng không ngừng khiến tình trạng giao thông tại thành phố diễn biến xấu do phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện lưu thông cá nhân. Theo các chuyên gia, BRT có nhiều ưu điểm: là phương tiện vận tải công cộng có sức chứa lớn; chạy trên đường dành riêng, được ưu tiên tại các giao lộ có hệ thống hỗ trợ và khai thác thông tin, các trạm dừng có chất lượng cao, dễ tiếp cận và tiện nghi nên nhanh, đúng giờ và tiện ích cho người sử dụng; được xem như tuyến metro mặt đất giá rẻ; với hệ thống BRT mở còn có nhiều tuyến xe buýt cùng hoạt động, có thể ưu tiên xe cứu hoả, cứu thương hoạt động...

Theo đánh giá, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang triển khai xây dựng, nhanh nhất đến tháng 6/2015 mới có thể đưa vào khai thác. Chi phí đầu tư cho tuyến từ 1,1 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD/19,7 km, trong đó chỉ có 2,6km đi ngầm, khi vận hành với giá vé cao, mức bù lỗ giá vé cao hơn mức bù lỗ cho xe buýt hiện nay. Vì vậy, từ nay đến 2020, trong khi chờ đợi hệ thống metro triển khai đồng bộ nhiều tuyến, phát triển BRT vừa nhanh vừa tiết kiệm hơn. Ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hệ thống metro phải đến sau 2025 mới có thể phát huy hiệu quả, vì thế việc phát triển và hoàn thiện hệ thống xe buýt, trong đó có BRT là giải pháp tốt nhất trong việc giải quyết tình trạng giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay cũng như trong những năm tới.

Theo Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, thành phố sẽ tổ chức BRT trên 10 hành lang: Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ - Ba Tháng Hai, Trần Hưng Đạo - Hồng Bàng, Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh, Hai Bà Trưng - Nguyễn Kiệm, Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt, Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13, Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai. Dự án đang được Sở Giao thông Vận tải trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt trong tháng 3. Các chuyên gia của Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu Đô thị TP. Hồ Chí Minh (PADDI) đề xuất tổ chức BRT trên 6 hành lang: Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng – Phan Đình Phùng, Trường Chinh – Cộng Hoà – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Pasteur, Hồng Bàng – Ngô Gia Tự - Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu, Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng, vành đai 2 (quốc lộ 1A). Năm 2006, thành phố cũng đã tổ chức BRT thí điểm trên 2 tuyến buýt: Bến xe An Sương – Bến Thành, Bến Thành – Bến xe Miền Tây nhưng chưa đúng các quy chuẩn nên chưa đạt hiệu quả cao./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực