Bên mái nhà Gươl

Thứ bảy, 20/08/2022 15:31
(ĐCSVN) - Trong không gian văn hóa nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh những giá trị nhân văn tốt đẹp, đặc biệt qua đó còn giới thiệu tới các dân tộc anh em khác những sắc màu văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Dân tộc Cơ Tu sinh sống tập trung chủ yếu ở ba huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Cộng đồng người Cơ Tu đã hình thành nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc. Bao đời nay, đồng bào sống quây quần bên những ngôi nhà xếp vòng thành hình bầu dục, chính giữa là nhà Gươl. Các buôn làng người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl. Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt, linh hồn của buôn làng Cơ Tu. Nét đặc trưng nhất của nhà Gươl là nơi linh thiêng thờ cúng thần linh, tổ tiên, lưu giữ đời sống tín ngưỡng của người Cơ Tu.

Nghệ thuật dựng nhà Gươl của người Cơ Tu mang nét riêng. Nhà Gươl được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Các số đếm trong các bộ phận cột, đòn tay, bậc thang đều mang số lẻ như 1,3,5,7,9 phản ánh quan niệm về âm - dương, tín ngưỡng về nước, lửa trong vũ trụ quan của người Cơ Tu.

Theo các già làng Cơ Tu, để lợp mái nhà rông theo cách truyền thống, đồng bào phải vào rừng chọn lá mây rừng, các phiến lá không già quá mà cũng không non quá, cắt lấy và đem về phơi héo, rồi ép cho phẳng theo từng lớp. Khi lợp, các lớp lá mây được nối kết với nhau bằng các sợi mây nhỏ chuốt nhẵn. Từng lớp lá được lợp chồng lên nhau theo thứ tự, tạo nên các mái nhà vừa phẳng phiu, đẹp mắt, mang tính thẩm mỹ cao.

Vách nhà Gươl được làm bằng tấm phên tre hoặc lồ ô, hay những tấm gỗ mỏng. Trên vách nhà các nghệ nhân Cơ Tu chạm khắc các bức phù điêu sinh động hình hoa lá, mặt trời, mặt trăng, chim muông, thú cách điệu hay một số cảnh sinh hoạt đời thường như người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con… phản ánh nghệ thuật trang trí, khả năng cảm thụ nghệ thuật của người Cơ Tu.

Những năm gần đây, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và ngành Văn hóa các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, đồng bào Cơ Tu thường xuyên về giao lưu, giới thiệu văn hóa tại nhiều địa phương cả nước, qua đó giúp các dân tộc anh em khác hiểu hơn về vùng đất, con người và nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc của dân tộc Cơ Tu.

 Nhà Gươl trong không gian văn hóa dân tộc Cơ Tu.
 Mỗi nhà Gươl khi dựng xong, đồng bào luôn trang trọng tổ chức ăn mừng bằng nhiều hoạt động truyền thống.
 Đây là dịp công chúng trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị vật thể và phi vật thể trong đời sống, xã hội của người Cơ Tu.
 Một trong số đó là nghệ thuật trang trí dân gian, loại ngôn ngữ hình tượng do đồng bào sáng tạo, gửi gắm theo những ước mơ giản dị về cuộc sống và những ký ức văn hóa tộc người.
Những gam màu chủ đạo: đen - trắng, đỏ - đen - vàng được sử dụng phổ biến trong các hoạt động mỹ thuật dân gian của người Cơ Tu. 
 Không gian văn hóa nhà Gươl hình thành và lưu giữ nhiều giá trị truyền thống với những nét đặc sắc về nghệ thuật trình diễn, hệ thống các tín ngưỡng dân gian lâu đời.
 Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống, sử dụng các hình trang trí kỷ hà, chấm và nét bằng những hạt cườm trắng trên nền thổ cẩm, với các nét nhiều kích cỡ to nhỏ và chiều hướng khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú giàu tính thẩm mỹ trên trang phục truyền thống.
 Một mảng mầu văn hóa nổi bật khác đó là các hoạt động cổ truyền có tính cộng đồng cao đều được tổ chức tại đây như: Lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu, Lễ mừng được mùa...
 Đồng bào Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam hòa mình trong điệu múa tân tung da dá.
 Các thanh niên người Cơ Tu biểu diễn vũ điệu tung tung da dá - một đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.
 Cô dâu, chú rể Cơ Tu trong ngày cưới, bên mái nhà Gươl.
 Ngày nay, đồng bào Cơ Tu vẫn trân quý những giá trị truyền thống của thế hệ cha ông lưu truyền lại, bởi đó là những giá trị nhân văn của một dân tộc giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.
Các hoạt động truyền thống trong không gian văn hóa nhà Gươi có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc dân tộc Cơ Tu, nhất là trong thời kỳ đất nước hội nhập với các nền văn hóa thế giới, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng 54 dân tộc anh em. 









 

N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực