Độc đáo Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Thứ ba, 26/04/2016 09:39
(ĐCSVN) - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đứng thứ 4 trong top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á do trang web uy tín về du lịch TripAdvisor bình chọn năm 2014. Tham quan Bảo tàng, du khách có thể cảm nhận rõ những nét văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam và các dân tộc Đông Nam Á tái hiện tại đây.

Với diện tích 3 ha, trên đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lưu giữ hơn 10.000 hiện vật, 15.000 ảnh đen trắng, hàng trăm băng video, băng cát-sét phản ánh nhiều mặt đời sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của 54 dân tộc anh em khắp đất nước. 

Tại tòa nhà Trống Đồng với sự bố trí nội dung khoa học, du khách được giới thiệu khái quát về không gian văn hóa 54 dân tộc Việt Nam qua các bản đồ vùng cư trú, hiện vật, hình ảnh, video minh họa sinh động. Những hiện vật đẹp mắt trưng bày như quần áo người dân tộc, đồ nghề thủ công, các mô hình về lễ nghi, ma chay, cưới hỏi, nghề truyền thống được phục dựng đầy đủ, sinh động. 

Nét độc đáo trong công tác bảo tàng ở đây là các hiện vật được giới thiệu theo chủ đề như: năm 2006, trưng bày "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp (1975-1986). Năm 2013, trưng bày một góc cuộc sống của sinh viên sống xa nhà học tập ở các thành phố lớn. Năm 2014 và 2015, trưng bày các tác phẩm ảnh về đời sống và con người dân tộc Tây Nguyên trong những năm 50 của nhiếp ảnh gia người Pháp Jean-Marie Duchage.

Ngoài ra, tại tầng hai toà nhà Trống Đồng là nơi trưng bày hiện vật của các dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng, Thái, Lô Lô, Xơ đăng, Giarai… được bố trí theo chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam.

Bảo tàng Đông Nam Á trong khuôn viên của Bảo tàng Dân tộc học, giúp du khách có cái nhìn cận cảnh về văn hóa các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á. 

Tại tầng 1 tòa nhà Trống Đồng, khách tham quan tìm hiểu khái quát về 54 dân tộc Việt Nam thông qua giới thiệu các phân bổ địa lý, đặc điểm các dân tộc. 

Không gian sống của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

Không gian trưng bày các nhạc cụ, trang phục phục vụ lên đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt. 

Không gian tái hiện đám ma của người Mường (Hòa Bình). 

Xe chở đó, một loại dụng cụ dùng để đánh bắt cá của người nông dân Việt Nam. 

Bộ ảnh tư liệu dân tộc học do nhiếp ảnh gia Pháp Jean - Marie Duchange chụp ở Tây Nguyên những năm 1952 – 1955,  giúp người xem hiểu rõ về đời sống, văn hóa ở Tây Nguyên mà đến nay hầu như đã không còn tồn tại. 

Không gian phục dựng nhà ở của người Thái Đen. 

Tại khu vực trưng bày ngoài trời có 10 công trình nhà ở của các dân tộc. Trong không gian này, những nếp nhà, cách bài trí, các họa tiết hoa văn kiến trúc trong nơi ở của nhiều dân tộc Việt Nam như Ê Đê, Ba Na, Hà Nhì, Chăm...  giúp công chúng cảm nhận sinh động về đời sống văn hóa nhiều dân tộc trên các vùng miền của Việt Nam. 

Ngôi nhà dài của người Ê Đê. 

Nhà rông của người BaNa. 

Nhà trình tường của người Hà Nhì. 

Ngôi nhà mồ do 5 người đàn ông Giarai Aráp ở làng Mrông Ngọ (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) dựng năm 1998. 

Nhà mồ dân tộc Cơtu do anh Bríunga, thôn Aliêng, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam dựng tại Bảo tàng tháng 12/2005. 

Nhà người Mông được tái hiện tại khuôn viên Bảo tàng. 

Các công trình kiến trúc dân gian và công tác trưng bày với sự đóng góp của các chủ thể văn hóa đã tạo lên sự sống động, hấp dẫn cho Bảo tàng, góp phần xây dựng mối quan hệ cộng đồng thêm gần gũi, thân thiết. Thông qua việc quảng bá, giới thiệu, văn hóa dân tộc với công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã góp phần bảo tồn, nâng cao lòng tự hào đối với các di sản văn hóa dân tộc.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực