Lặng thầm với nghề xưa

Thứ bảy, 26/09/2020 22:54
(ĐCSVN) – Hơn 40 năm qua, trải qua bao thăng trầm thời cuộc, đến nay, nghề làm mặt nạ giấy vui Tết Trung thu vẫn được gia đình nghệ nhân Đặng Hương Lan gìn giữ tại khu phố cổ Hà Nội. Những món đồ Trung thu dân gian ở đây đang giúp lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đến những tâm hồn tuổi thơ.

Bên cạnh việc làm những chiếc mặt nạ giấy bồi tại 43 Hàng Than (Hà Nội), địa chỉ văn hóa này đang giúp du khách và các em học sinh khám phá, phát huy khả năng sáng tạo cũng như trải nghiệm nghề làm mặt nạ giấy. Nhiều vị khách quốc tế khi đến Hà Nội rất thích thú khi được nghe giới thiệu, hướng dẫn và tự tay làm mặt nạ giấy bồi dân gian của Việt Nam. Sau đó, mang chính sản phẩm đã làm của mình về làm đồ kỷ niệm. Vào dịp diễn ra Hội chợ Trung thu phố cổ Hà Nội, những chiếc mặt nạ dân gian cũng được giới thiệu tại số 81 Hàng Lược, góp phần cho tuyến phố chuyên cung cấp các mặt hàng vui Tết Trung thu thêm lung linh sắc màu văn hóa.

Mỗi dịp đón Tết Trung thu cổ truyền, tại các địa chỉ văn hóa ở Hà Nội như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các trường học, gia đình bà Lan thường tham dự để giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm hay trình diễn các công đoạn làm ra một chiếc mặt nạ giấy dân gian với du khách và các em học sinh. Qua đó giúp các em nhỏ hiểu và thêm yêu thích đồ chơi dân gian. Kể lại chuyện nghề đã gần nửa thế kỷ bà Lan cho biết: “Chúng tôi tự hào, vì mình đang góp phần giữ gìn một nét đẹp văn hoá của Hà Nội”.

Nhìn lại những đổi thay theo thời gian, những năm 1980 mặt nạ giấy dân gian từng được nhiều người làm, món đồ chơi Trung thu này từng gắn bó với ký ức tuổi thơ của nhiều người dân ở Hà Nội. Đã có thời kỳ mai một do sự thay đổi thị hiếu cùng sự xuất hiện tràn lan của đồ chơi ngoại, hiện đại, khiến đồ chơi Trung thu trong nước khó tiêu thụ, kéo theo đó là sự xa rời văn hóa truyền thống. Điều đáng mừng, những năm gần đây, đồ chơi trung thu dân gian đang lấy lại vị thế của mình, bởi ưu điểm thân thiện, không gây độc hại cho sức khỏe trẻ em, mẫu mã khá đẹp, thu hút thị hiếu người tiêu dùng, nhờ vậy thị trường tiêu thụ trong nước cũng khấm khá lên.

Vào mỗi dịp Hội chợ Trung thu phố cổ - một hoạt động bảo tồn và phát huy lịch sử, văn của Hà Nội, tại các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can bày bán nhiều nhiều sản phẩm thủ công dân gian. Bởi vậy những chiếc đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ, trống...thuận lợi lan tỏa những giá trị truyền thống, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những mạch nguồn văn hóa dân tộc, về nét đẹp văn hóa truyền thống của Hà Nội.

 Đằng sau những ồn ào đô thị thời hiện đại người ta thấy những nét xưa cũnhuốm mầu thời gian của Hà thành ở phố Hàng Than, Hà Nội.
 Gần Tết Trung thu, gia đình nghệ nhân Đặng Hương Lan tất bật giữa hàng trăm chiếc mặt nạ giấy bồi chờ hoàn thiện để kịp cung cấp ra thị trường đồ chơi ở Hà Nội.
Những món đồ chơi dân gian ở đây giúp mỗi người nhìn lại Tết Hà Nội xưa và nay để thấy những gì còn mang dấu ấn xưa và những gì đã đổi thay theo thời gian. 
 Chia sẻ những công đoạn làm mặt nạ dân gian, ông Hòa cho biết: Để làm ra một chiếc mặt nạ, trước hết phải dùng khuôn đúc bằng xi măng.
Sau đó, xé từng mảnh giấy nhỏ, lớp sau được dán chồng lên lớp trước, kết dính bằng loại hồ đun chín từ bột sắn. 
 Chiếc mặt nạ giấy chế tác ở dạng thô được ông Hòa nhẹ nhàng tháo khỏi khuôn.
 Ra khỏi khuôn, chiếc mặt nạ được phơi khô tự nhiên để giữ được dáng không bị cong vênh, biến dạng. 
Những chiếc mặt nạ giấy ở dạng thô được phơi nắng trong vài ngày để chuẩn bị cho các công đoạn tiếp theo. 
 Sau khâu phơi nắng sấy khô, bước tiếp theo là tô màu, đây cũng là khâu khó nhất bởi nó sẽ quyết định phần hồn của mặt nạ. Quá trình này thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng nét vẽ.
Trước đây, gia đình bà Lan có khoảng 10 khuôn mặt nạ, đến nay đã phát triển gần 30 mẫu khuôn mặt nạ khác nhau như ông Địa, thị Nở, mặt nạ hình trâu, ngựa, hổ, báo, khỉ… Ngoài ra, gia đình bà còn làm thêm các mẫu mặt nạ mới để đáp ứng sở thích của trẻ em. 
 Mỗi mùa Trung thu, gia đình bà Lan làm trên dưới 3.000 chiếc mặt nạ các loại, giá dao động từ 35.000 đồng tới 50.000đồng/1 chiếc.
Hiện nay, gia đình bà cũng là hộ duy nhất còn giữ nghề làm mặt nạ giấy dân gian ở Hà Nội. 
 Việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống nói chung và nghề làm mặt nạ giấy bồi nói riêng cần một sự khích lệ kịp thời. Hơn ai hết, những nghệ nhân của Hà Nội đang góp phần gìn giữ nghề truyền thống và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

 

 

N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực