Nơi Trung thu về sớm

Thứ bảy, 12/09/2020 20:54
(ĐCSVN) – Mỗi dịp Trung thu, những nghệ nhân ở làng Hảo (Hưng Yên) lại lặng thầm với nghề xưa, làm những món đồ chơi dân gian phục vụ Tết cổ truyền. Từ làng Hảo, những chiếc đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ, trống... đậm đà sắc mầu dân gian giúp giáo dục thế hệ trẻ về những mạch nguồn văn hóa của dân tộc.

Nghề làm đồ chơi trung thu ở làng Hảo (làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) có vào khoảng những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỉ trước, đồ chơi trung thu làm ra ở đây từng được đưa đi khắp các tỉnh thành cả nước. Theo các cụ trong làng kể lại, sản phẩm từ nghề này từng mang lại thu nhập chính cho cả làng, cứ đến mùa Trung thu cả làng lại làm trống, đầu sư tử hay mặt nạ. Khắp xóm làng, tiếng xẻ gỗ, búa đe lọc cọc, tiếng thử trống lách cách, các bà, các mẹ ngồi bồi giấy trò chuyện rôm rả...Tuy nhiên sự thay đổi thị hiếu cùng các loại đồ chơi ngoại xuất hiện tràn lan khiến đồ chơi truyền thống khó tiêu thụ, dân làng bỏ nghề. Cả làng Hảo chỉ còn một số hộ dân kiên trì giữ và làm nghề.

Điều đáng mừng là những năm gần đây, đồ chơi trung thu truyền thống đang dần lấy lại vị thế vốn có, bởi ưu điểm thân thiện, an toàn không gây hại cho sức khỏe trẻ em, mẫu mã thu hút được người tiêu dùng chọn mua, nhờ vậy nghề làm đồ chơi trung thu ở làng Hảo cũng dần khấm khá lên.

Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sản phẩm đồ chơi ở làng Hảo được cải tiến mẫu mã đa dạng và bắt mắt hơn. Vài năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm truyền thống như: Mặt nạ, ông Địa, chú Tễu,...thợ làng nghề còn sáng tạo thêm các loại mặt nạ hình thỏ, trâu, cáo, lợn, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới,.. Mặt nạ chú Tễu chế tác với nhiều cảm xúc như cười mỉm, cười lớn, hung dữ, nhăn nhó, tức giận,...khá ngộ nghĩnh. Các sản phẩm trung thu làng Hảo đã có chỗ đứng tại phố Hàng Mã (Hà Nội), thậm chí tại Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh.

Từ nền tảng truyền thống, những người thợ làng Hảo đang góp phần nối dài những mạch nguồn văn hóa, để Tết Trung thu cổ truyền thêm đậm đà sắc mầu dân tộc, những đêm trông trăng phá cỗ đêm rằm đầy ắp kỷ niệm trong mỗi tâm hồn trẻ thơ.

 Làng Hảo là nơi khiến ai cũng nhớ về tuổi thơ của mình.
 Trong dịp nông nhàn đợi lúa hè thu trổ bông, người thợ làng Hảo lại tất bật làm những món đồ chơi dân gian.
 Tại nhà xưởng của ông Vũ Huy Đông, nghề truyền thống của cha ông vẫn được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ trong gia đình.
 Chia sẻ về cách làm ra một chiếc mặt nạ bồi giấy, ông Đông cho biết: Người làng Hảo phải trải qua nhiều công đoạn công phu từ việc tạo khuôn mặt nạ bằng xi măng, khắc họa tinh thần nhân vật, sau đó dùng những tấm bìa cát-tông, giấy báo, dán bằng hồ làm từ tinh bột sắn để tạo ra những chiếc mặt nạ.
 Các cốt mặt nạ bồi giấy trước khi đem đi phơi khô và được tô vẽ màu sắc.
 Một công đoạn chế tác mắt cho sản phẩm.
 Từ những chiếc mặt nạ đơn điệu vô tri, chúng đã được những người thợ nơi đây vẽ mầu, thổi hồn trở thành những món đồ chơi được người tiêu dùng yêu thích.
 Người làng Hảo có thể làm ra hơn 20 loại mặt nạ kích cỡ to, nhỏ khác nhau tùy thuộc sở thích của các em thiếu nhi.
 Trống làng Hảo được sản xuất với nhiều kích cỡ, chủng loại.
Đèn ông Sao sản xuất tại nhà xưởng làng Hảo.
Đồ chơi trung thu ở đây được sản xuất quanh năm, sau đó dồn sản phẩm vào khoảng thời gian gần tháng Tám để đưa ra thị trường.
 Mỗi chiếc trống, mặt nạ, đèn kết tinh công sức, tinh thần lao động của người dân nơi đây đang tỏa đi khắp mọi miền đất nước, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo vị thế trong các hoạt động văn hóa dân gian của dân tộc.
Theo ông Đông: Vài năm trở lại đây, độ hai tháng trước Rằm Trung thu, làng Hảo đón nhiều đoàn khách thăm: Mỗi xưởng làm đồ chơi đón khoảng ba chục đoàn khách thăm, chủ yếu là các cô giáo dẫn học sinh mầm non ở Hà Nội hay các thành phố khác về tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm và tô vẽ mặt nạ. Người dân làng Hảo luôn vui vẻ đón khách tham quan, tạo điều kiện để các em học sinh tìm hiểu các công đoạn để làm ra các sản phẩm đồ chơi truyền thống, giúp các em thêm yêu thích đồ chơi dân gian. 

N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực