Đoạn đường thuộc ấp Chùa Phật (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình)
thường xuyên xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: T.Đ
Đường vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp
Một điển hình của sự yếu kém trong thi công các công trình giao thông chính là tình trạng xuống cấp của tuyến đường từ trụ sở xã Châu Hưng A đi về phía xã Hưng Thành (thuộc địa bàn huyện Vĩnh Lợi). Một tuyến đường thi công chậm trễ trong nhiều năm, người dân mòn mỏi trong hy vọng để có một tuyến đường đẹp, trải nhựa phẳng lì. Thế nhưng, đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng thì chỉ chưa đầy 6 tháng đã hư hỏng, xuống cấp.
Trong kỳ họp HĐND huyện Vĩnh Lợi vào tháng 7/2017, bà Nguyễn Ngọc Nhân - Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Hưng A rất bức xúc vấn vấn đề này. Hiện tại đường đã bị bong tróc, đầy ổ gà, không đảm bảo an toàn giao thông. Người dân cũng liên tục phản hồi trước thực trạng đường mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, đặt nhiều nghi vấn về trách nhiệm của ngành quản lý, nhất là ở khâu giám sát đã để nhà thầu thi công kém chất lượng. Đây cũng là công trình gặp vướng ở khâu đấu thầu, trúng thầu và bán thầu cho nhà thầu khác.
Tương tự như vậy, không ít những tuyến đường giao thông nông thôn, ghi vốn của địa phương, nhiều công trình nhỏ, tình trạng đưa vào sử dụng không bao lâu thì bị hư hỏng, sạt lở, sụp bể khá phổ biến. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, tình trạng khắc phục và xử lý trách nhiệm là rất hạn chế. Nhiều công trình sau đó tiếp tục phải xuất ngân sách Nhà nước để khắc phục, sửa chữa, gia cố.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo các chuyên gia về xây dựng, để xảy ra các sự cố công trình, chất lượng công trình yếu kém thì các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm. Vấn đề là phải xác định được chính xác nguyên nhân “lỗi” ở khâu nào mới có thể xử lý trách nhiệm của các bên liên quan. Có 4 chủ thể liên quan trực tiếp đến quá trình thi công công trình gồm: chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu và tư vấn giám sát. Quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình, về trách nhiệm của các bên liên quan đều đầy đủ. Khoản 6 Điều 4, Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng quy định: “Các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng (gồm nhà thầu; chủ đầu tư; cơ quan chuyên môn về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình, thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng…) chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện”. Như vậy, nếu xảy ra sự cố công trình hoặc phát hiện các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình thì phải xác định rõ nguyên nhân, mức độ thiệt hại để từ đó tiến hành xử lý hành chính hay phải chuyển Cơ quan điều tra để xử lý hình sự…
Nếu không phải lỗi từ khâu thiết kế mà để xảy ra sự cố trong quá trình thi công, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu. Sau nhà thầu là trách nhiệm của tư vấn giám sát, nếu giám sát tốt thì không có chuyện nhà thầu làm sai thiết kế, thi công gian dối. Dù có lựa chọn được một nhà thầu tốt, nhưng nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nhà thầu cũng khó mà tự giác thi công đảm bảo chất lượng. Đó là chưa kể đến trường hợp nhà thầu thông đồng với tư vấn giám sát để thi công ẩu, “rút ruột” công trình.
Một vấn đề cũng khiến dư luận bức xúc không kém chính là thái độ của chủ đầu tư khi phát hiện các công trình giao thông xuống cấp, kém chất lượng. Tương tự như vụ việc tuyến đường ở xã Châu Hưng A, đến nay cũng chưa thấy truy cứu được trách nhiệm của đơn vị nào để xử lý. Chủ đầu tư là người nắm trong tay quyền hành, nếu thấy sai mà không xử lý đến nơi đến chốn thì trách nhiệm đó có lỗi của chủ đầu tư, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, nhân dân về vấn đề này.