Tổ hợp tác sản xuất và thu hoạch lúa ở huyện Hòa Bình.
Có chất lượng, nhưng không có chất
Toàn tỉnh hiện có hơn 730 tổ hợp tác (THT) thu hút 19.740 thành viên và 112 HTX với 37.749 thành viên. Trong đó, phần lớn là hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Số THT - HTX tuy chiếm khá cao, nhưng hoạt động hiệu quả thì rất ít; nhiều THT - HTX đã giải thể, chờ giải thể, hoặc chỉ tồn tại cho có.
Tình hình trên bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên chính là các THT - HTX lâu nay còn chạy theo phong trào và nhiều người xem việc tham gia các THT - HTX là để nhận các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Theo ông Trần Bảo Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu: “Một thực trạng không thể phủ nhận ở các THT hiện nay là: khi nào Nhà nước có hỗ trợ thì nông dân tham gia THT. Đơn cử như ở các THT sản xuất rau sạch, nếu Nhà nước không còn hỗ trợ thì nông dân không tham gia THT”.
Xuất phát từ tâm lý trông chờ, ỷ lại và dựa dẫm vào Nhà nước, nên nhiều HTX đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cả thương hiệu, nhưng hoạt động lại không hiệu quả, phải giải thể. Cụ thể như HTX ngò rí Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) xin giải thể từ năm 2016 (mặc dù ngò rí Bạc Liêu được đánh giá là một trong những mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh).
Do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia phát triển KTHT - HTX nên nhiều địa phương phát triển các THT - HTX bằng hình thức vận động nhiều thành viên tham gia, xem THT - HTX là nơi để giải quyết các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Trong khi đó, một trong những yêu cầu của Luật HTX là các thành viên phải tự nguyện gia nhập, và HTX là nơi hợp tác liên kết phát triển sản xuất.
Từ việc vận động các thành viên tham gia (không dựa trên tinh thần tự nguyện) nên thành viên các THT - HTX không góp vốn, mà chỉ hy vọng vào HTX để được hỗ trợ, hoặc được vay vốn ngân hàng. Điển hình là các HTX nuôi nghêu ở khu vực ven biển Bạc Liêu thay nhau thành lập nhưng thành viên không góp vốn. Các HTX này chủ yếu khai thác mỏ nghêu từ tự nhiên (mà nghêu giống là nguồn thu nhập chính). Do vậy, nhiều THT - HTX chỉ hoạt động một thời gian ngắn là sa vào nợ nần, phải giải thể. Đó là chưa nói đến chuyện có HTX cố tình tạo ra “lợi nhuận ảo” nhằm tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí vận động các thành viên trong HTX vay vốn ngân hàng để góp vốn, làm cho nhiều hộ nghèo càng nghèo thêm!? Lại có HTX xin thêm đất sản xuất nhằm khai thác triệt để nguồn lợi thủy sản, nhưng không có năng lực quản lý. Thế là sau mỗi đợt con giống xuất hiện là xảy ra nạn “nghêu tặc”, và nguồn lợi hàng trăm tỷ đồng ấy mất trắng chỉ sau vài ngày.
Vấn đề đặt ra là: Tại sao nhiều tỉnh khác mua con giống của Bạc Liêu đem về gây nuôi được, còn Bạc Liêu thì hưởng nguồn lợi có sẵn nhưng không phát huy được, và người dân cứ “nghèo trên bãi vàng”? Nếu cứ khai thác nguồn lợi con giống theo kiểu tận diệt thì đến một lúc nào đó nguồn lợi sẽ không còn nữa!...
Phát huy vai trò cấp ủy địa phương
Phát triển KTHT - HTX chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh có một phần trách nhiệm của các cấp ủy đảng. Đó là việc nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển KTHT - HTX trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Theo Liên minh HTX tỉnh, một trong những bài học kinh nghiệm trong phát triển KTHT - HTX là địa phương nào được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể cụ thể; tổ chức quán triệt trong nội bộ, tuyên truyền, vận động thành viên, nhân dân nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, được thành viên tín nhiệm thì nơi đó KTHT - HTX phát triển tốt, và ngược lại.
Năm 2017, cùng với phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong phát triển KTHT - HTX, nhiều địa phương còn xây dựng tổ chức cho các THT - HTX, xem đây là yếu tố mang tính quyết định. Ông Trương Văn Nhớ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Lợi, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các THT - HTX, Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể huyện chỉ đạo chỉ thành lập các THT - HTX ở những nơi có nhu cầu, nông dân tự nguyện đăng ký tham gia. Những người sáng lập HTX phải do người dân bầu chọn, xóa bỏ hình thức cấp ủy hay chính quyền giới thiệu ứng cử như trước đây. Đặc biệt, những người sáng lập HTX và tham gia bộ máy quản lý phải có uy tín trong cộng đồng; có điều kiện về kinh tế, có năng lực quản lý, điều hành; kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh giỏi và tâm huyết”.
Điều đáng ghi nhận là việc thành lập các THT - HTX ở huyện Vĩnh Lợi do đích thân đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy chỉ đạo đến tận các ấp; lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý các vấn đề của các THT - HTX. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho Phó Bí thư Đảng ủy các địa phương, trong đó có yêu cầu là phải thường xuyên kiểm tra và có các giải pháp hỗ trợ các THT - HTX.