Tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức đơn vị hầu như không có

Thứ sáu, 22/09/2017 15:44

Làm việc với tỉnh Bạc Liêu liên quan đến tình hình đấu tranh, phòng chống tham nhũng (PCTN), Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã đánh giá cao các hoạt động của tỉnh. Tuy nhiên, việc tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức đơn vị hầu như không có, chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra mới phát hiện. Tình trạng gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính chậm, gây bức xúc.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung phát biểu tại buổi làm việc với
 Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng tại Bạc Liêu.

Chưa phát hiện tham nhũng

Theo thông tin chúng tôi có được, từ ngày 1/10/2016 - 31/7/2017, ngành Thanh tra đã tổ chức triển khai 28 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 2 cuộc thanh tra đột xuất tại 32 địa phương, đơn vị. Các vụ việc thanh tra tập trung vào lĩnh vực quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng tài chính, ngân sách, mua sắm công, thanh tra chuyên đề diện rộng việc quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh.

Qua thanh tra đã phát hiện 9 đơn vị vi phạm, với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Đề nghị thu hồi 2,39 tỷ đồng, kiến nghị khắc phục, chấn chỉnh, điều chỉnh 926 triệu đồng; hiện tại đã thu hồi gần 1,9 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 78,4%). Không có vụ việc bị khởi tố hình sự về hành vi tham nhũng.

Cũng theo báo cáo liên ngành của các cơ quan tư pháp, năm 2017 qua hoạt động tư pháp chưa phát hiện vụ án tham nhũng. Các vụ án đang được điều tra, thụ lý đều từ những năm trước chuyển sang. Điều này chứng tỏ công tác phòng ngừa tham nhũng của Bạc Liêu đã đạt được kết quả hết sức khả quan hay lại là biểu hiện đáng lo ngại từ hoạt động kém hiệu quả công tác thanh, kiểm tra nên không thể phát hiện ra hành vi tham nhũng? Hay do nhiều vụ việc niên độ thanh tra dài, dẫn đến vi phạm xảy ra lâu, số liệu, chứng cứ không đảm bảo, việc kiểm tra, điều tra gặp khó khăn, có trường hợp không thể kết luận theo hướng xử lý hình sự được, phải chuyển quay lại xử lý hành chính?!

Xử lý nội bộ

Có rất nhiều cơ quan có chức năng đấu tranh PCTN, ngoài những cơ quan trực tiếp đấu tranh như tòa án, viện kiểm sát, công an, chỉ huy quân sự, bộ đội biên phòng, thanh tra, hiện tỉnh đã thành lập thêm một số cơ quan như Ban Nội chính Tỉnh ủy (có vai trò giúp việc cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác nội chính và PCTN). Thanh tra tỉnh thì thành lập phòng thanh tra PCTN và phòng giám sát, kiểm tra, xử lý sau thanh tra. Và cũng có những trường hợp, vì nể nang, vì thành tích, hay vì nhiều lý do khác mà luôn chọn phương án xử lý nội bộ, hạn chế đến mức tối đa việc khởi tố vụ án tham nhũng.

PCTN là công việc khó khăn, phức tạp. Hệ thống chủ trương, chính sách pháp luật nói chung và chính sách pháp luật liên quan đến PCTN nói riêng chưa hoàn thiệt, thiếu đồng bộ. Các hình thức kỷ luật và hệ thống hình phạt đối với hành vi tham nhũng chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe. Chưa có cơ chế giám sát, kiểm soát thu nhập, quy định về trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn chưa rõ ràng. Công tác tự kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp sai phạm còn thiếu kiên quyết. Một số yếu tố về trình độ, năng lực, khoa học - kỹ thuật hạn chế cũng khiến hạn chế việc phát hiện tham nhũng. Đơn cử như ở Bạc Liêu, tình trạng giám định tài chính, giám định xây dựng để xác định có hay không hành vi sai phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tài chính cũng hết sức khó khăn và luôn gặp vướng mắc. Thậm chí, có trường hợp nhìn bằng mắt thường, ai cũng có thể nhận thức được, có hành vi sai phạm trong xây dựng cơ bản thông qua sự xuống cấp của các công trình xây dựng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại không thể xử lý điều tra vì vướng giám định (như không có khả năng giám định tại chỗ, không đủ tiền thuê đơn vị giám định độc lập…).

Tăng cường giải pháp phòng ngừa tham nhũng

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công khai minh bạch, cung cấp thông tin, trách nhiệm giải trình trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Việc hoạch định, xây dựng các cơ chế, chính sách, định mức, tiêu chuẩn trong mua sắm, sử dụng tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý tài chính và sử dụng ngân sách Nhà nước được thực hiện đúng quy định, công khai lấy ý kiến các cấp, các ngành và các đối tượng có liên quan.

Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Việc chi trả lương qua tài khoản đã tạo được chuyển biến về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về quản lý, minh bạch thu nhập và góp phần vào thực hiện công tác phòng ngừa tham nhũng. Việc kê khai, minh bạch tài sản của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng được thực hiện nghiêm. Có 56 đơn vị nằm trong diện phải kê khai, minh bạch tài sản, trong đó, số người phải kê khai tài sản, thu nhập trong năm là 4.911 người, trong đó, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm là 4.906 người (đạt tỷ lệ 99,9%), số người chưa kê khai 5 người do đang đi học ở nước ngoài, bệnh nặng. Tuy cũng còn những sai sót như thiếu thông tin theo mẫu quy định, chưa xác định giá trị tài sản, thu nhập phải kê khai và việc giải trình tài sản, thu nhập tăng thêm chưa rõ, nhưng nhìn chung, cũng chưa phát hiện trường hợp không trung thực trong minh bạch tài sản, thu nhập.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị thông qua việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ gắn với việc tự chủ về tài chính vừa thực hành tiết kiệm vừa tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Hiện tại, tỉnh tiếp tục thực hiện mở rộng việc công khai và thực hiện cơ chế giám sát của tập thể trong chi tiêu ngân sách, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đưa kết quả thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào nội dung đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức. Nhiều đơn vị đã chi bổ sung tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức với mức chi phổ biến từ 200 - 300 ngàn đồng/người/tháng, cá biệt, một vài đơn vị có nguồn thu bổ sung cao - hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Song song đó, tập trung thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính, tăng cường công tác phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin tham nhũng. Kiên quyết xử lý công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật. Xử lý nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tăng cường giám sát trong nhân dân, đối với các cơ quan truyền thông nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng.

theo baobaclieu.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực