Cẩn trọng với những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến

Thứ năm, 22/04/2021 22:29
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, lừa đảo trực tuyến đang trở thành thủ đoạn được nhiều đối tượng tội phạm sử dụng để nhằm trục lợi bất chính. Các chuyên gia cho rằng, khi sử dụng internet, mạng xã hội..., mỗi người cần nêu cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến...

Cuối tháng 2/2021, anh Tạ Văn Đức (Hòa Bình) nhận được lời mời kết bạn và tin nhắn qua mạng xã hội Zalo từ tài khoản tên “Đồ gỗ cao cấp” với nội dung chào hàng các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ. Anh Đức đã đặt mua hàng 03 sản phẩm với tổng số tiền là hơn 21,5 triệu đồng. Số tiền này được anh Đức chuyển tài khoản của cá nhân tên Nguyễn Văn T ở Bắc Ninh. Vài ngày sau khi chuyển tiền mua hàng thì anh Đức phát hiện tài khoản Zalo “Đồ gỗ cao cấp” đã bị khóa và số điện thoại liên lạc với tài khoản cũng bị chặn. Không còn cách nào khác, anh Đức phải báo với cơ quan chức năng.

Trước đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Nguyễn Cao Dũng (sinh năm 1996), trú tại xã An Châu, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã lập tài khoản facebook mang tên "Dũng Nguyễn" để bình luận vào bài đăng của những người có nhu cầu mua khẩu trang. Sau đó, một người ở Đông Triều (Quảng Ninh) đã giao dịch đặt mua của Dũng 150 thùng khẩu trang y tế với giá giao dịch đặt cọc là 200 triệu đồng. Sau một thời gian chuyển tiền không thấy Nguyễn Cao Dũng gửi hàng, khi liên lạc lại thì Dũng báo không có hàng và chuyển lại số tiền 100 triệu đồng; số tiền còn lại Dũng đã tiêu xài vào mục đích cá nhân. Người mua hàng đã trình báo với cơ quan Công an. Qua xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hưng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Cao Dũng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình làm việc với đối tượng Nguyễn Cao Dũng. (Ảnh: BT). 

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Thực tế cho thấy, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, lừa đảo trực tuyến, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đang dần trở thành xu hướng phạm tội khá phổ biến. Chỉ tính riêng trong năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng trên 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng; trong đó có 776 vụ việc lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, bưu điện…, đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền. Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành xác minh, điều tra 18 vụ; khởi tố 5 vụ án và 27 bị can; đang tiếp tục xác minh hơn 10 vụ.

Để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến, các đối tượng tội phạm thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dân. Điển hình là kết bạn qua mạng xã hội và bán hàng với giá rẻ, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại. Ngoài ra, chúng thường giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền; giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản...

Đồng chí Đại tá Trương Sơn Lâm. (Ảnh: XM). 

Theo đồng chí Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng; phối hợp, chỉ đạo Công an các địa phương tiến hành xác minh, xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; ngăn chặn, vô hiệu hóa hàng trăm đường link, tài khoản trên mạng xã hội có nội dung lừa đảo. Qua công tác đấu tranh đã triệt phá nhiều ổ, nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động có tính chất chuyên nghiệp, phương thức, thủ đoạn tinh vi, góp phần kiềm chế sự gia tăng, giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên của tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các chuyên gia về an ninh mạng cũng cho rằng, hiện nay số lượng người sử dụng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram... ở nước ta rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác. Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại... thì phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh. Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên MXH, đặc biệt là những người quảng cáo bán hàng... Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tuyệt đối giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết... Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.

Nguyên Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực