Giả tai nạn giao thông nhằm trục lợi bảo hiểm bị xử lý thế nào?

Thứ ba, 30/08/2016 15:57
(ĐCSVN) - Vừa qua, một phụ nữ tên N ở Hà Nội đã thuê người chặt tay chân mình để giả bị tai nạn giao thông, nhằm trục lợi tiền bảo hiểm. Sau vụ việc này nhiều bạn đọc thắc mắc: người cố ý tạo tai nạn để trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý ra sao? Nếu chưa đạt được mục đích thì có bị xử lý hay không?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp. Ảnh: HT

Theo luật sư (LS) Nguyễn Hồng Thái - Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Bộ luật hình sự năm 1999, bổ sung năm 2009 hiện hành không có qui định về tội danh “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực thi hành) lại có qui định tội “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” tại Điều 213.

Theo đó, cá nhân nào thực hiện một trong các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm như giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hợp đồng, tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, nếu chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Theo LS Nguyễn Hồng Thái, với hành vi của D.V. D. (21 tuổi, trú huyện Phúc Thọ), là người được N thuê để chặt tay, chặt chân mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS hiện hành. Việc D bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nào thì phụ thuộc vào kết quả giám định thương tật.

Với việc được thuê thì hành vi của D thuộc tình tiết "gây thương tích thuê" theo điểm h khoản 1 Điều 104 BLHS hiện hành. Bởi mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ nên dù được chính người đó thuê thì người được thuê vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đây là tình tiết sẽ được đánh giá, cân nhắc khi xét xử, giải quyết vụ án cả vấn đề hình sự lẫn bồi thường thiệt hại theo quy định bộ luật dân sự.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi “Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm” hoặc “Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 213 về tội "gian lận trong kinh doanh bảo hiểm". Vì vậy, người mua bảo hiểm cần cân nhắc hành động của mình để không thuộc trường hợp “tiền mất, tật mang”, đồng thời có thể vướng vào vòng lao lý, nếu có hành vi gian lận để hưởng quyền lợi bảo hiểm."

Theo LS Nguyễn Hồng Thái, thực tế ở nước ta việc lừa công ty bảo hiểm để lấy tiền như trong trường hợp nêu trên là không phổ biến. Nhưng ở nước ngoài, hành vi này lại được nhiều người thực hiện. Vụ việc này là một bài học xương máu cho những ai cố tình vi phạm pháp luật, vừa tiền mất, tật mang vừa có thể bị ngồi tù, là hồi chuông cảnh báo cho những đối tượng có ý định lừa tiền bảo hiểm./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực