Điều kiện kinh doanh quân trang, quân dụng?

Thứ năm, 15/12/2022 20:00
(ĐCSVN) - Hành vi bị cấm khi đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật ? Cá nhân có được phép sản xuất, kinh doanh quân trang, quân dụng?

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết quân trang, quân phục, vũ khí quân dụng luôn là mặt hàng nhạy cảm, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, việc quản lý các mặt hàng này không đơn giản và dễ dàng.

Theo Nghị định 101/2022/NĐ-CP do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ ký ban hành ngày 8/12/2022 quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh (có hiệu lực từ ngày 30/01/2023) thì các hành vi bị cấm bao gồm:

- Lợi dụng hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh để xâm hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

- Đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh khi:

Không được cấp có thẩm quyền đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ hoặc lựa chọn qua thủ tục đấu thầu; Sản xuất quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật quá số lượng quy định trong hợp đồng, đơn đặt hàng, văn bản giao nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền;

Không đáp ứng đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động.

- Vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về bảo mật thông tin dưới mọi hình thức, như:

Thông tin trong hợp đồng, đơn đặt hàng, văn bản giao nhiệm vụ, hồ sơ đấu thầu và các văn bản liên quan trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

Thông tin liên quan đến tính năng kỹ thuật, chiến thuật, tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

- Chuyển giao sản phẩm hoàn chỉnh, sản phẩm chưa hoàn chỉnh, sản phẩm mẫu, sản phẩm chế thử, sản phẩm bị lỗi, hư hỏng, kém chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh quân trang, quân dụng… cho bên thứ ba khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

- Cung cấp các văn bản không đúng với thực tế nhằm đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

- Cản trở hoặc không chấp hành công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở, gây phiền hà, xâm phạm quyền tự do đầu tư kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp; bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người có liên quan đến đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

Cần thường xuyên siết chặt việc sản xuất, kinh doanh, quản lý các mặt hàng quân trang, quân dụng... (Ảnh minh họa, nguồn: baochinhphu.vn)

Nghị định cũng quy định, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh nói trên; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; xây dựng, ban hành danh mục quân dụng phục vụ an ninh quy định tại Khoản 2 Điều 3 Chương I Nghị định này; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định tại Điều 17 Chương IV Nghị định này.

Theo luật sư Tuấn, nguyên tắc đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như các quy định khác về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Nghị định 96/2016/NĐ-CP nêu rõ: Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho Quân sự, Công an là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chỉ các đơn vị được cấp phép đủ điều kiện mới có thể thực hiện kinh doanh và cũng chỉ được kinh doanh cho lực lượng vũ trang.

Hiện nay, theo quy định tại phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2020, hiện có 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà khi doanh nghiệp thành lập hay bổ sung ngành nghề kinh doanh phải lưu ý đáp ứng đủ điều kiện trước khi đi vào hoạt động ngành nghề kinh doanh đó.

Với đặc thù của lĩnh vực, ngoài việc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh phải có vốn điều lệ tối thiểu là 100 tỷ đồng tại thời điểm đề nghị tham gia đầu tư nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; có ít nhất 50 lao động kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh…

Thực tế cho thấy không ít các vụ án, vụ việc có liên quan tới lĩnh vực quân trang, quân dụng, ghi nhận sự buông lỏng, thiếu chặt chẽ và thống nhất trong quản lý, phân cấp… để lại những hậu quả đáng tiếc.

“Đáng chú ý, nguy hiểm hơn, nếu sản xuất quân trang, quân dụng, vũ khí vượt quá số lượng quy định trong hợp đồng, đơn đặt hàng thì hoàn toàn có thể xảy ra việc lén lút đưa hàng hóa ra bên ngoài, dẫn tới khó kiểm soát được mục đích sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội…”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực