Gia đình kinh doanh thêm đồ ăn dịp Tết có cần đăng ký chứng nhận an toàn thực phẩm?

Chủ nhật, 23/01/2022 21:02
(ĐCSVN) - Những ngày cận Tết, nhu cầu về thực phẩm, bánh kẹo, đồ ăn... tăng cao, nhiều gia đình tận dụng cơ hội này để kinh doanh đồ ăn nhằm kiếm thêm thu nhập trong dịp Tết, những gia đình này có cần phải đăng ký chứng nhận an toàn thực phẩm hay không?
 (Ảnh minh họa: Nguồn: laodong.vn).

Trên đây là những ý kiến bạn đọc gửi tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước điều kiện ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề an toàn thực phẩm thời điểm khá phức tạp như hiện nay, nhất là thời điểm Tết cận kề.

 Theo quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Điều 11, Điều 12,  Chương IV, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, hộ kinh doanh đăng ký ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ những trường hợp sau đây:

 - Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

 - Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định.

 - Sơ chế nhỏ lẻ.

 - Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

 - Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn.

 - Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

 - Nhà hàng trong khách sạn.

 - Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm.

 - Kinh doanh thức ăn đường phố.

 - Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

 Bên cạnh đó, tại khoản 1 Công văn 3109/BCT-KHCN về hướng dẫn Điều 12, Nghị định số15/2018/NĐ-CP về cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ như sau:

 - Kinh doanh được hiểu là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

 - Sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ là một công đoạn trong hoạt động kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

 Trong khi đó, theo quy định tại khoản d, Điều 12, Chương IV, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc diện phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

 Như vậy, các gia đình có nhu cầu kinh doanh đồ ăn như sản xuất các loại mứt, kẹo bánh,... và tiêu thụ, cung ứng loại sản phẩm này trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi trong dịp Tết thuộc trường hợp kinh doanh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không cần phải đăng ký Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực