Quy định mới về niên hạn đầu máy, toa xe đường sắt

Thứ hai, 10/01/2022 16:38
(ĐCSVN) - Bạn đọc Đinh Hữu Mùi, trú tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hỏi: “Vừa qua, đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành có tuổi thọ trên 40 năm của Nhật Bản đã không được chấp thuận do sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Xin hỏi Nghị định mới nhất của Chính phủ liên quan tới niên hạn đầu máy, toa xe là gì?"

Trả lời:

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 01/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Theo đó, không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đối với việc thực hiện cứu hộ cứu nạn; dồn dịch trong ga, cảng, trong đề-pô, trong nội bộ nhà máy; điều chuyển giữa các ga, các đề-pô; các đầu máy hơi nước kéo đoàn tàu du lịch; toa xe mặt võng chuyên vận tải phục vụ an ninh, quốc phòng và các loại phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.

Hiện quy định niên hạn sử dụng đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị là không quá 40 năm; đối với toa xe chở hàng chạy trên đường sắt chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng là không quá 45 năm.

So với Điều 19 Nghị định 65/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018), lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện đường sắt được kéo dài thêm từ 2 đến 5 năm. (Ảnh: Kỳ Nam)

Các đầu máy, toa xe này khi hết niên hạn sử dụng sẽ được chuyển thành các phương tiện không phải áp dụng quy định niên hạn khi sử dụng vào các hoạt động nêu trên.

Đáng chú ý, Nghị định 01/2022/NĐ-CP do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký có hiệu lực từ 04/01/2022 cũng sửa đổi Điều 19 về lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.

Cụ thể, các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023, trong khi các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019 thì được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024.

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025, trong khi các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 thì không được kéo dài thời gian hoạt động.

Như vậy, so với Điều 19 Nghị định 65/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018), lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện đường sắt được kéo dài thêm từ 2 đến 5 năm.

Trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét gia hạn niên hạn, chuyển đổi thành toa xe chuyên dùng đối với gần 90 toa xe mở đáy Hmđ chuyên dụng chỉ phục vụ chở vật liệu nội ngành để duy tu và sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt; gần 70 toa xe P thiết kế chuyên biệt phục vụ vận chuyển mặt hàng xăng, dầu; 11 toa xe mặt võng Mvt chuyên biệt sử dụng vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, chủ yếu vận chuyển máy móc, ô tô tải các loại, phương tiện và thiết bị quân sự.

Đồng thời, xin kéo dài lộ trình thực hiện quy định niên hạn đầu máy, toa xe thêm 3 năm so với thời gian quy định để có thời gian chuẩn bị và đầu tư mua sắm đầu máy, toa xe mới thay thế cho các phương tiện cũ hết niên hạn sử dụng với tổng kinh phí dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng./.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực