Quy định xử phạt đối với các trường hợp bán thịt lợn bẩn

Thứ tư, 06/04/2022 19:00
(ĐCSVN) - “Gần đây khi đọc tin tức tôi có bắt gặp thông tin về việc mỗi ngày có hàng tấn thịt lợn bẩn, trong đó có cả thịt lợn chết được cung cấp ra thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng. Vậy, Nhà nước đã có những quy định xử phạt cụ thể nào đối với các trường hợp trên?” – bạn đọc Trần Hòa hỏi.
Hình ảnh thịt lợn đã bị biến chất định đưa vào chợ đầu mối Bình Điền kinh doanh đã bị phát hiện và ngăn chặn. Ảnh: PV

Trả lời:

Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều trường hợp thịt lợn bẩn được xử lý cung cấp cho thị trường tiêu dùng, thay vì phải tiêu hủy thì được một tay đầu nậu thu gom rồi bán cho các đầu mối.

Đây là nguồn thịt không đảm bảo an toàn, thậm chí nếu dùng lâu có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

Luật Sư Hà Anh Vũ – Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ: “Theo quy định về phòng chống dịch động vật trên cạn buộc phải tiêu hủy ngay lợn khi chết như: Bệnh lở mồm long móng, dịch tả, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tai xanh, bệnh liên cầu khuẩn lợn tuýp 2, bệnh giun xoắn, bệnh sảy thai truyền nhiễm” (Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016).

Đối với các trường hợp lợn chết nguyên nhân không phải do nhiễm các bệnh trên thì cũng không nên sử dụng.

Các trường hợp vi phạm kinh doanh, sản xuất thịt lợn bẩn cũng được quy định mức xử phạt rõ ràng tại điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018. Cụ thể:

“- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Ngoài ra, “Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đặc biệt tại khoản 6, điều 4 cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm hoặc tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các trường hợp vi phạm tùy theo các trường hợp vi phạm tương ứng với từng quy định tại điều 4 quy định này./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực