Test nhanh COVID-19 liên tục có gây hại cho mũi?

Thứ tư, 12/01/2022 18:50
(ĐCSVN) - Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi đến Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thắc mắc về việc test nhanh COVID-19 liên tục có gây hại cho mũi không và test COVID-19 thế nào là đúng cách?

Trả lời câu hỏi trên, BS Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM cho biết: Việc test COVID-19 nhiều không thể “hỏng” mũi như nhiều người vẫn sợ. Quá trình đưa que test trong mũi sẽ không tác động lớn tới cấu trúc của mũi. Thực tế nhiều F1 và nhân viên y tế test liên tục, có ngày test 3 lần nhưng mũi họ không bị ảnh hưởng.

Việc test COVID-19 nhiều không thể “hỏng” mũi như nhiều người vẫn sợ. Ảnh: CTV

Tuy nhiên cũng có trường hợp lấy mẫu không đúng, hoặc quá mạnh tay sẽ gây tổn thương đến mũi. Vì vậy, người dân khi test COVID-19 cần chú ý mua sản phẩm kit test đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, quá trình test, khi đưa que vào khoang mũi, người dân nên thực hiện từ từ, nhẹ nhàng, lúc nào chạm đúng điểm cần lấy mẫu theo hướng dẫn của nhà sản xuất thì rút ra ngay, tránh vội vàng hay làm quá mạnh tay sẽ gây đau, thậm chí chảy máu.

Các bước test nhanh COVID-19 người dân cần nắm rõ:

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, mọi người có thể tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 (test nhanh) tại nhà với 7 bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị tuýp dung dịch đệm (buffer) theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bước 2: Tự lấy mẫu trước gương hoặc thực hiện thao tác lấy mẫu cho các thành viên khác trong hộ gia đình.

Bước 3: Dùng tay xoay đều tăm bông trong tuýp nhựa chứa dung dịch đệm, nhúng que tăm bông lên xuống trong dung dịch đệm (10 lần).  

Bước 4: Chuyển tay lên phần thân trên tuýp, bóp chặt và rút từ từ que tăm bông. Đảm bảo vắt sạch toàn bộ dung dịch còn đọng trên đầu tăm bông xuống đáy tuýp.

Bước 5: Đóng chặt nắp màng lọc, lắc đều dung dịch trong tuýp bằng tay (5 lần).

Bước 6: Ghi tên mỗi thành viên lên từng khay test tương ứng. Nhỏ 3 đến 5 giọt dung dịch trên vào giếng test (theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

Bước 7: Đọc kết quả sau 15 đến 30 phút theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Sau khi tự lấy mẫu, người dân tự đọc kết quả theo hướng dẫn phân tích kết quả của nhà sản xuất.

Trường hợp âm tính (chỉ xuất hiện 1 vạch C): Kết luận mẫu bệnh phẩm của người được lấy mẫu có kết quả âm tính tại thời điểm xét nghiệm.

Trường hợp dương tính (xuất hiện cả 2 vạch C và T): Kết luận mẫu bệnh phẩm của người được lấy mẫu có kết quả dương tính bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên tại thời điểm xét nghiệm. Cuối cùng, người dân sẽ báo cáo kết quả và nộp lại khay test cho cán bộ y tế để tổng hợp.

Bộ Y tế khuyến cáo, bước tự lấy mẫu (bước 2) là bước quan trọng nhất để đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm, người dân cần lấy mẫu đúng khu vực tỵ hầu, đồng thời cần đảm bảo thấm đủ dung dịch nếu không sẽ không đảm bảo thấm được dịch.‏ Khi lấy mẫu dịch tỵ hầu, người lấy mẫu cần đưa khoảng 3/4 chiều dài que lấy mẫu vào sâu bên trong mũi. Khi thực hiện đưa que lấy mẫu vào có cảm giác "sụp hầm" hay "sụp ổ gà" là thành công.

Còn với kỹ thuật ngoáy dịch mũi, người dân cần ngửa đầu về phía sau, cầm cán que, nhẹ nhàng đưa đầu bông vào lỗ mũi thứ nhất cho đến khi cảm thấy lực cản nhẹ và không còn nhìn thấy đầu bông, sâu khoảng 2cm. Sau đó, xoay que 3 lần và giữ yên 10 giây. Tiếp tục xoay và ngoáy đầu bông để lau toàn bộ thành trong và cuối khoang mũi cho đến khi đầu bông ướt hoàn toàn. Tiếp đó, chuyển đầu bông sang lỗ mũi thứ hai và lặp lại thao tác như trên. Sau đó, mọi người cần nhẹ nhàng xoay và rút que lấy mẫu ra./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực