Thông tin cá nhân phải lưu trữ theo Luật An ninh mạng

Thứ tư, 17/08/2022 16:18
(ĐCSVN) - Bạn đọc Vũ Quang Tùng, trú tại quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, hỏi: Quy định mới nhất về việc lưu trữ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam trong Luật An ninh mạng?

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó đáng chú ý dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam phải được lưu trữ tại Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 01/10/2022, các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam bao gồm: dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra (tên tài khoản sử dụng dịch vụ, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu); dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.

Nghị định 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 quy định rõ về việc lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Vân Anh)

Như vậy, không phải toàn bộ các dữ liệu được truyền đưa trên không gian mạng phải lưu trữ tại Việt Nam. Quy định này không làm ảnh hưởng tới lưu thông dữ liệu số, cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Nghị định cũng nêu rõ trình tự, thủ tục yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Doanh nghiệp được quyết định hình thức lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu, tối thiểu là 24 tháng.

Văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đến khi doanh nghiệp không còn hoạt động tại Việt Nam hoặc dịch vụ được quy định không còn cung cấp tại Việt Nam.

Nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 26 Chương IV Luật An ninh mạng (Luật số: 24/2018/QH14, ngày 12 tháng 6 năm 2018) được lưu trữ tối thiểu là 12 tháng.

Nghị định quy định rõ, Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) thông báo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam; đồng thời thông báo cho các cơ quan liên quan để thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định, các doanh nghiệp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 26 của Nghị định này phải hoàn thành lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Hiện nay, dữ liệu của nước ta trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan với mục đích lợi nhuận mà Nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí là bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật.

Như vậy, việc lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam chỉ áp dụng đối với một số doanh nghiệp có các hoạt động như thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, không phải áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp.

Chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng gồm 7 Chương 43 Điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực