Bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu bị xử lý ra sao?

Thứ hai, 16/08/2021 11:28
(ĐCSVN) - Người đàn ông lâm bệnh nặng được đưa đến nhiều cơ sở y tế tại thành phố Dĩ An để cấp cứu nhưng đều bị từ chối. Sau khi về phòng trọ, bệnh nhân tử vong. Lực lượng chức năng thành phố Dĩ An và tỉnh Bình Dương đang tích cực vào cuộc xác minh, làm rõ trách nhiệm những cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý theo quy định.

Trước đó, vào tối 13/8, thấy bố mình là N.D (57 tuổi, quê Trà Vinh, ở trọ tại thành phố Dĩ An) bị nôn mửa nên gia đình gọi xe cấp cứu nhưng không được. Sau đó, hàng xóm hỗ trợ dùng xe tải đưa ông D đi cấp cứu tại Trung tâm y tế thành phố Dĩ An. Theo lời chị N.P (con gái ông D), khi ông D được đưa đến đây thì Trung tâm không nhận với lý do nơi này đang điều trị bệnh nhân COVID-19.

 Gia đình làm tang lễ cho bệnh nhân N.D (Ảnh: Xuân An)

Tiếp đến, bệnh nhân được được đưa đến Phòng khám Ngọc Hồng (thành phố Dĩ An), test nhanh COVID-19 cho kết quả âm tính. Sau khi hỏi tiền sử bệnh, biết ông bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ thì bác sĩ tại đây nói tình trạng quá nặng, đề nghị cho bệnh nhân lên tuyến trên.

Trong đêm, gia đình tiếp tục đưa ông D đến Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú và Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh. Các cơ sở trên đều không tiếp nhận bệnh nhân. Cuối cùng, gia đình đành phải đưa ông D về phòng trọ. Đến 01h00 ngày 14/8, bệnh nhân tử vong.

Ngày 14/8, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám... không được từ chối bệnh nhân cấp cứu. Yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các đơn vị thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, thậm chí xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra sai phạm.

Sáng 15/8, cơ quan chức năng thành phố Dĩ An đã tổ chức họp khẩn với các đơn vị và cơ sở y tế trên địa bàn để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc.

Trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vụ việc, Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm:

Vụ việc ông N.D (57 tuổi, quê Trà Vinh, ở trọ tại TP Dĩ An) bị các cơ sở y tế khám, chữa bệnh đóng trên địa bàn từ chối tiếp nhận, do không được cứu chữa kịp thời khiến ông N.D tử vong là sự việc đáng tiếc. Để đánh giá khách quan, toàn diện về nguyên nhân dẫn đến ông N.D bị tử vong, chúng ta cần nhìn nhận sự việc trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói chung và thành phố Dĩ An nói riêng diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm COVID -19 tăng lên từng ngày, số ca bệnh nặng và rất nặng có nguy cơ tử vong cao. Chính vì vậy, lực lượng y tế (cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện…) nơi đây phải căng mình chống dịch, thậm chí bị quá sức, quá tải do không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.

  Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) 

Tuy nhiên, cho dù lý do nào đi chăng nữa thì sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, phải được đặt lên hàng đầu, phải được cứu chữa kịp thời. Vụ việc ông N.D bị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ chối cứu chữa khiến ông tử vong là không thể chấp nhận, các cơ sở này vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề y mà Bác Hồ đã từng căn dặn “lương y phải như từ mẫu”.

Theo quan điểm luật sư Tạ Anh Tuấn: Hành vi từ chối cứu chữa khiến ông N.D bị tử vong thỏa mãn dấu hiệu của tội danh “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này, người thực hiện hành vi phạm phải có hành vi thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có điều kiện cứu giúp mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó tử vong.

Hành vi phạm tội được thể hiện dưới hai trạng thái, hành động và không hành động. Dấu hiệu hành vi đặc trưng của tội này được thực hiện bằng hành vi (không hành động) không cứu giúp người khác đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc, dẫn đến cái chết của nạn nhân bị chết.

Ngoài ra, để cấu thành tội danh này hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, đồng thời xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người.

Đối chiếu các dấu hiệu này, trong vụ việc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật, từ chối không cứu chữa dẫn đến hậu quả chết người xảy ra, thỏa mãn tội danh quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù giam./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực