Mới đây nhất, thông cáo báo chí của UBND tỉnh Hậu Giang ngày 10/5 nêu rõ qua thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có hành vi vi phạm đối với các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Công ty Việt Á, từ đó, UB Kiểm tra Tỉnh ủy đã cách chức Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Lành.
Trả lời báo chí, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Lành cho biết trưa ngày 3/12/2021 nhân viên tự xưng của Công ty Việt Á mang theo chiếc một túi đặt trên quầy thuốc của nhà nói “dịch dã nên bồi dưỡng cho anh em”. Chiều cùng ngày, ông Lành đã mang đến cơ quan, mời các phòng chức năng và trình bày lại sự việc, lập biên bản, niêm phong và giao Phòng Tổ chức giữ số tiền nhận được, giao Trưởng Phòng Kế hoạch làm báo cáo trình UBND tỉnh... UBND tỉnh giao công an khẩn trương làm việc, sau đó cơ quan công an thu hồi túi quà bên trong có 450 triệu đồng tiền mặt
|
Trụ sở Sở Y tế tỉnh Hậu Giang tại số 06 đường Ngô Quyền, phường 5, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang (Ảnh: https://soyte.haugiang.gov.vn/)
|
Sáng 11/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt bị can, lệnh tạm giam 4 tháng ông Nguyễn Văn Lành vì hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 222 Mục II Chương XVIII Bộ luật hình sự năm 2015. Hai thuộc cấp là Trưởng khoa của đơn vị này gồm Huỳnh Thị Hồng Đoan và Hà Tấn Bình Đẳng cũng bị bắt do vi phạm đối với các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm COVID-19.
Trong trường hợp cơ quan chức năng có đủ căn cứ xác minh hành vi phạm tội, nếu ông Lành phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Theo kết luận thanh tra về việc "mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc, phòng chống dịch COVID-19 đối với Sở Y tế Hậu Giang và các đơn vị, tổ chức có liên quan", có 3 đơn vị thực hiện hợp đồng mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư xét nghiệm đối với Công ty Việt Á gồm: Sở Y tế, CDC tỉnh Hậu Giang và Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy. Có 7 hợp đồng đã ký kết với 31.980 kit xét nghiệm trị giá hơn 11,4 tỷ đồng.
Cụ thể, Sở Y tế thực hiện ký 3 hợp đồng mua hơn 16.000 kit xét nghiệm trị giá hơn 7,2 tỷ đồng (đã thanh toán 100%); CDC tỉnh Hậu Giang ký 2 hợp đồng mua 10.500 kit xét nghiệm trị giá hơn 3,3 tỷ đồng (đã thanh toán 100%).
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm, cán bộ nhận quà trái quy định thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng và kỷ luật chính quyền.
Nếu hành vi nhận quà trái quy định mà có sự thỏa thuận với người đưa quà để thực hiện công việc theo yêu cầu thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Nhận hối lộ”.
Hiểu một cách đơn giản, sự khác nhau giữa nhận quà trái quy định và nhận hối lộ là ghi nhận thỏa thuận giữa người đưa tiền, quà với người có chức vụ quyền hạn trước đó hay không.
Việc đưa tiền, quà có thể được thực hiện trước hoặc sau hoạt động nhiệm vụ công vụ. Việc đưa tiền, quà có thể đưa trực tiếp hoặc đưa gián tiếp, nhưng trước khi thực hiện nhiệm vụ công vụ, giữa hai bên đã có thỏa thuận về việc thực hiện công việc theo yêu cầu để hưởng lợi.
Do đó, trong vụ việc này, nếu cơ quan cảnh sát điều tra có căn cứ chứng minh đã có sự thỏa thuận ăn chia, thỏa thuận chi phí một khoản tiền nhất định để giao dịch mua kit, test xét nghiệm COVID-19 được diễn ra thì đây là hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ.
Còn trường hợp, trong mối quan hệ giữa người có chức vụ quyền hạn đối với các tổ chức cá nhân mà có việc tổ chức cá nhân chuyển giao tài sản hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ để chứng minh có sự thỏa thuận trước đó thì không thể xử lý về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Trong trường hợp này, có thể chỉ là hành vi nhận quà trái quy định.
Luật sư Nguyễn Văn Kỹ cho biết thêm, Luật phòng, chống tham nhũng 2018 (Luật số: 36/2018/QH14, ngày 20 tháng 11 năm 2018) và Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 7 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng nêu rõ: Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải từ chối.
Trường hợp không từ chối được phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
“Hiện nay việc tặng quà, nhận quà của cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Quyết định 64/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ”, luật sư Kỹ phân tích thêm.
Quyết định này nêu rõ, có 03 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được phép nhận quà tặng, quà biếu: Quà tặng từ họ hàng, người thân trong gia đình mà những người này không có mối quan hệ về lợi ích, liên quan đến công việc của cán bộ, công chức, viên chức; Quà tặng từ những cơ quan, đơn vị, cá nhân khác không liên quan đến công việc của cán bộ, công chức, viên chức; Quà có giá trị dưới 500.000 đồng tặng cho cán bộ, công chức, viên chức bị ốm đau, tai nạn hoặc nhân dịp hiếu, hỷ, lễ, tết truyền thống, mà việc tặng quà này không liên quan đến công việc của cán bộ, công chức, viên chức… Trong các trường hợp này, cán bộ, công chức, viên chức được nhận quà tặng mà không phải báo cáo với cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, nếu pháp luật có yêu cầu kê khai thu nhập thì phải thực hiện kê khai theo đúng quy định./.