|
Suất ăn trưa 17/11 của học sinh trường Ischol Nha Trang. (Ảnh phụ huynh cung cấp)
|
Vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra tại Trường liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) khiến 257 học sinh phải nhập viện, trong đó có một em không qua khỏi.
Liên quan đến sự việc, ngày 22/11, Đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện đã xác định nguyên nhân gây ngộ độc hàng loạt với học sinh trường Ischool là do nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella.
Cạnh đó, cơ quan chức năng cũng xác định, người tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc là ông Bùi Phúc Lam (SN 1982, ở đường Phú Xương, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang). Ông này cũng là chủ cơ sở kinh doanh bán hàng ăn uống giải khát tại trường cùng một số nhân viên của cơ sở thực hiện.
Theo đó, ông Bùi Phúc Lam có giấy phép hộ kinh doanh số 37A80221626 do Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Nha Trang cấp ngày 24/9/2015 (đăng ký lại lần 1), ngành nghề kinh doanh: bán hàng ăn uống giải khát, hải sản tại gian hàng trường iSchool Nha Trang, đường Hai Bà Trưng, phường Xương Huân, TP. Nha Trang. Ông Lam cũng có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 165/ATTP-CNĐK do Phòng Y tế TP. Nha Trang cấp ngày 19/10/2022 (cấp lần 3)… Vậy dưới góc độ pháp lý, cá nhân, tổ chức liên quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự việc trên?
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Nha Trang là vụ việc nghiêm trọng, khiến 1 em học sinh tử vong.
Để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định pháp luật, điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh nguyên nhân sự việc, xác định hậu quả pháp lý.
“Theo thông tin ban đầu kết quả phân lập nuôi cấy mẫu phân ghi nhận, tác nhân khiến hàng trăm học sinh trường iSchool Nha Trang ngộ độc là vi khuẩn Salmonella, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ điều tra nguồn gốc vi khuẩn này phát sinh từ đâu trong khâu nào của quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm để dẫn tới hậu quả gây ngộ độc thực phẩm cho hàng loạt học sinh” – Luật sư Phương phân tích.
|
Luật sư Khương Tân Phương. Ảnh: Kim Chiến |
Theo quan điểm của Luật sư Phương, nếu vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm nhưng do yếu tố chủ quan từ các khâu sản xuất, bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm của các cá nhân, tổ chức, thì rất có thể cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015, để điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo một số chuyên gia luật khác, trong sự việc này để làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc thực phẩm, cơ quan công an sẽ lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân, lấy mẫu thức ăn, nguồn nước, dụng cụ phục vụ ăn uống, chế biến và các thực phẩm mà nhà trường có sử dụng trong thời điểm sự việc xảy ra, để kiểm nghiệm nhằm xác định độc tố, nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc hàng loạt này.
Trường hợp xác định hóa chất, độc tố có trong loại thực phẩm nào sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc để xác định việc sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến có đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, nguyên nhân nào dẫn đến ngộ độc thực phẩm để tiến hành truy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định được mô tả theo khoản 1, Điều 317 Bộ luật Hình sự dẫn đến hậu quả một học sinh tử vong, nhiều học sinh bị tổn hại nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, xác định trách nhiệm của cá nhân có liên quan để khởi tố bị can, xử lý theo quy định của pháp luật../.