Đồng thời, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Văn Sơn (sinh năm 1973, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Sơn” để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các quyết định này nhằm phục vụ điều tra về hành vi lập khống hồ sơ, rút tiền ngân sách hỗ trợ học sinh khuyết tật, học sinh nghèo xảy ra tại cơ sở giáo dục nói trên.
|
Bị can Phạm Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Văn Tú)
|
Theo tài liệu điều tra, bước đầu xác định, các năm 2018, 2019, ông Sơn, chủ tài khoản trường tiểu học Ngọc Sơn đã không kiểm tra, đối chiếu hồ sơ học sinh được hưởng chính sách theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP (về việc hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo) và Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC (về việc hỗ trợ kinh phí cho học sinh khuyết tật, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo) đã ký vào các chứng từ khống do kế toán Nguyễn Thị Nhiên (sinh năm 1983, ở phường Hải Tân, thành phố Hải Dương) lập để rút tiền ngân sách Nhà nước và quyết toán số tiền đã rút với cơ quan có thẩm quyền, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 162 triệu đồng.
Trước đó, ông Sơn không được bổ nhiệm lại chức danh Hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Sơn.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Thế Hiển, Công ty TNHH luật Trường Sơn, trụ sở tại thành phố Hà Nội cho rằng các hành vi nêu trên thực sự không thể chấp nhận được, có dấu hiệu cố tình chiếm đoạt ăn chặn tiền của các em học sinh nghèo, thuộc diện yếu thế mà cộng đồng xã hội đang nỗ lực chung tay hỗ trợ, giúp đỡ.
Cụ thể, Điều 356 Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nêu rõ, Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng.
Còn Điều 360 Mục 2 Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nêu rõ người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Phải khẳng định, sự nghiệp giáo dục là quá trình lâu dài, bền bỉ vì sự phát triển của những chủ nhân tương lai của đất nước. Kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn, các em học sinh vùng sâu vùng xa vùng khó khăn đang rất mong chờ sự chung tay của cộng đồng bên cạnh sự quan tâm của các cấp, sự nỗ lực cống hiến vì sự nghiệp trồng người của xã hội. Do đó, những người làm trong ngành giáo dục càng cần phải nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng, vì trẻ thơ vì đất nước./.