Chiều 21/8, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Chương Mỹ (thành phố Hà Nội) cho biết đang tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Tuyến (sinh năm 1989, trú tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ), công nhân một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện Chương Mỹ về hành vi “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”, xảy ra tại bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ.
Theo đó, khoảng 20h00 ngày 19/8, Tuyến đến bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, cách chỗ làm khoảng 2 km, mặc áo blouse trắng vào phòng chăm sóc sau sinh của bệnh viện. Do đây là thời gian thăm nom trẻ nên Tuyến đã dễ dàng “săn tìm” được con của sản phụ N.T.H (sinh năm 1983, trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) sinh ngày 18/8, nói với bà của cháu là bé bị vàng da, cần đi nằm ở phòng khác để theo dõi rồi bế bé ra khỏi phòng. Người nhà của bé đi theo sau.
|
Lực lượng chức năng có mặt tại bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội để điều tra vụ việc (Ảnh: anninhthudo.vn) |
Tuy nhiên, khi di chuyển được một tầng thì bác sỹ Phó khoa Sản phát hiện có người mặc trang phục của nhân viên y tế nhưng lạ mặt nên giữ lại. Khi đang áp tải xuống phòng hành chính để làm rõ thì người phụ nữ này bỏ chạy, nhưng nhân viên bệnh viện đã kịp thời tri hô, bắt giữ và bàn giao cho lực lượng chức năng.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết Luật Trẻ em (Luật số 102/2016/QH13 ngày 05 tháng 4 năm 2016) nghiêm cấm các hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Do đó, việc đối tượng Nguyễn Thị Tuyến giả làm nhân viên y tế bắt cóc trẻ sơ sinh thực sự rất nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền nhân thân, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, cũng như gây mất trật tự an toàn xã hội.
Trong vụ việc cụ thể này, để xử lý đúng người, đúng tội, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân của đối tượng, động cơ mục đích thực hiện, hậu quả của hành vi mà đối tượng đã gây ra. Nếu đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội, đối tượng Tuyến có thể bị xem xét, xử lý hình sự. Cụ thể, khoản 1 Điều 153 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (Luật số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi nêu rõ người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị bổ sung là phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.
Thực tế đã có nhiều vụ “mẹ mìn” vào cơ sở y tế, cải trang thành bác sĩ, nhân viên bệnh viện, người nhà sản phụ để tìm sơ hở bắt cóc trẻ sơ sinh nhằm mục đích bán, làm con nuôi, thậm chí trả thù cá nhân… gây xôn xao dư luận.
“Để tránh xảy ra những vụ việc tương tự, cha mẹ, những người giám hộ cần nâng cao tinh thần cảnh giác và trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc con em mình. Bên cạnh đó, các bệnh viện, đặc biệt là chuyên ngành Sản - Nhi cần tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát bằng cách tăng nhân sự, áp dụng công nghệ thông tin... để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng, nhóm đối tượng khả nghi”, luật gia Lê Huy Vinh nhấn mạnh./.