Ngày 20/11, cơ quan cảnh sát điều tra công an TP. HCM cho biết vừa làm việc với 26 người có liên quan tại công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset, sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam 13 người về Tội vu khống theo Điều 156 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, số còn lại tạm thời cho tại ngoại.
Danh sách 13 người gồm Nguyễn Ngọc Thắng, Đỗ Trọng Đạt, Trịnh Ngân Bình, Phạm Hùng Dương Lâm, Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Nguyễn Trung Tín, Đỗ Thanh Tùng, Phạm Thị Bích Trang, Nguyễn Công Nghĩa, Phạm Nguyễn Ngân Hà và Nguyễn Công Tuấn, Lê Sanh, và Trần Minh Tiến.
Trước đó, ngày 4/11, các đơn vị nghiệp vụ của công an TP. HCM bất ngờ kiểm tra văn phòng công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (tại cao ốc H3, đường Hoàng Diệu, phường 6, quận 4). Đây là công ty nước ngoài, có trụ sở chính ở quận 1, TP.HCM do LJ (quốc tịch Hàn Quốc) làm Tổng Giám đốc, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập, có chức năng “cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng”.
|
Lực lượng chức năng khám xét văn phòng công ty tại quận 4 (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp) |
Khách hàng vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký hợp đồng, lãi suất vay từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hàng tháng.
Đối với nhóm nợ 1-89 ngày, nhân viên dùng phần mềm để gọi nhắc khách hàng và người thân với tính chất lịch sự, nhẹ nhàng; nhóm nợ 90-179 ngày, nhân viên cũng sử dụng phần mềm nhưng điện thoại, nhắn tin nhắc nợ khách thường xuyên, liên tục nhắc nhở khách hàng hoặc người thân tác động trả nợ.
Nhóm nợ trên 180 ngày (chia thành 2 nhóm A, B) sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo… sau đó gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết dịp cuối năm tội phạm "tín dụng đen" sẽ phát triển mạnh vì nhu cầu chi tiêu tăng, một số người thất nghiệp muốn vay tiền trang trải cuộc sống…
Theo Khoản 6 Điều 3 Nghị định 39/2014/NĐ-CP (Số: 39/2014/NĐ-CP, ngày 07 tháng 5 năm 2014), tín dụng tiêu dùng là hình thức cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân bằng nghiệp vụ cho vay bao gồm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng.
Việc ra đời và tồn tại của các công ty tài chính tiêu dùng là phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho đối tượng khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ cho vay của ngân hàng thương mại có cơ hội tiếp cận các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, kích thích và thúc đẩy tiêu dùng của dân cư, mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này.
Tại Khoản 1 Điều 468 Mục 4 Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015), trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Luật sư Tuấn phân tích, các công ty tài chính không chỉ chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật Dân sự mà còn chịu sự điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành như luật các tổ chức tín dụng và các văn bản có liên quan khác. Vì thế, mức lãi suất tối đa cho mục đích tiêu dùng tại công ty tài chính sẽ do đơn vị tự điều chỉnh đồng nhưng phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép nên không bị xem là hình thức cho vay nặng lãi.
Vụ việc cụ thể tại công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset, vấn đề ở đây là lãnh đạo công ty cố tình làm ngơ để nhân viên thu hồi nợ sử dụng các hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu người thân của khách vay phải trả nợ. Qua điều tra ban đầu xác định ngoài tiền lương mỗi tháng, các nhân viên còn được thêm 30% trên tổng số tiền đòi nợ được.
Do đó, nếu có đủ bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm pháp luật, các đối tượng nói trên có thể bị xử lý về tội vu khống. Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Thậm chí có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm do thực hiện hành vi có tổ chức và sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Có thể nói, khi bị quấy rối, đe dọa, vu khống, các cá nhân, tổ chức có thể gửi đơn kèm chứng cứ (số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn…) đến Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm về lĩnh vực ngân hàng, đồng thời gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan công an, Sở Thông tin và Truyền thông để được hỗ trợ xử lý về hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
“Người dân cần cẩn thận, không vay tiền qua các app trên mạng xã hội, còn người lao động làm việc cho các công ty tài chính phải tuân thủ nghiêm pháp luật để bảo vệ sự an toàn cho chính bản thân”, luật sư Tuấn khuyến cáo./.