Chế độ với giáo viên mắc COVID-19?

Thứ ba, 01/03/2022 20:21
(ĐCSVN) - Liên quan tới sự việc một số giáo viên là F0 nghỉ dạy trực tiếp và trực tuyến bị trừ điểm thi đua xảy ra tại trường THCS thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vừa qua, bà Trương Thị Quý Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay trong chiều 28/2 đơn vị đã có báo cáo giải trình với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì và Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì.

Bà Hoa cũng thừa nhận, đây là việc làm có phần cứng nhắc, không phù hợp bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết đã yêu cầu Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì xem xét, báo cáo về sự việc này.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi theo quy định hiện hành, người mắc COVID-19, trong đó có đội ngũ giáo viên được hưởng những khoản hỗ trợ nào của Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Mặc dù việc trừ điểm thi đua này theo đúng quy chế của nhà trường đã được thông qua tại Hội nghị cán bộ nhưng đây vẫn là quy định quá cứng nhắc, bó buộc.

Việc mắc COVID-19 là khách quan, không ai mong muốn. Theo quy định của pháp luật, thời gian người mắc COVID-19 điều trị tại nhà cũng được xác định là thời gian nghỉ ốm. Do đó, ngoài các quyền lợi, chế độ riêng mà nhà nước quy định dành cho người mắc COVID-19 thì đội ngũ giáo viên còn được áp dụng các chính sách an sinh xã hội, các khoản hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Trường THCS thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nơi xảy ra sự việc (Ảnh: Nguyễn Hoài)

Cụ thể, thứ nhất là khoản hỗ trợ từ Công đoàn. Căn cứ Quyết định 3749/QĐ-TLĐ ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tuỳ thuộc vào số ngày điều trị và nơi điều trị của người lao động để xác định khoản tiền hỗ trợ mà họ sẽ được nhận. Mỗi người được nhận một lần khoản tiền này khi mắc COVID-19 và số tiền được hỗ trợ tối đa là 3.000.000 đồng (ba triệu đồng).

Thứ hai là tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 25 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Luật số 58/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014), áp dụng đối với những người lao động có hợp đồng lao động, tham gia đóng bảo hiểm xã hội và có xác nhận của cơ sở y tế.

Thời gian hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 26 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, phụ thuộc vào điều kiện lao động của người lao động và thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Khoản 1 Điều 28 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ, người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Thứ ba là tiền dưỡng sức sau khi điều trị COVID-19 theo quy định tại Điều 29 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Cụ thể, sau khi điều trị COVID-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày (năm ngày). Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tương ứng là 447.000 đồng/ngày (chỉ áp dụng với bệnh nhân F0 điều trị từ 30 ngày trở lên trong năm).

Thứ tư là tiền lương do người sử dụng lao động trả. Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian điều trị COVID-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.

Luật sư Trương Anh Tuấn cho rằng năm học 2021 - 2022 tiếp tục là năm học đặc biệt khi ngành Giáo dục phải thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo chương trình dạy học vừa phòng, chống dịch COVID-19. Việc kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến là một giải pháp linh hoạt, hữu hiệu, bảo vệ sức khoẻ cho thầy cô giáo, học sinh đồng thời đảm bảo tiến độ chương trình học.

Đại dịch COVID-19 thực sự tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục và hiện nay cả giáo viên, học sinh vẫn đang từng bước phải thích ứng. Do vậy, khi cán bộ, giáo viên bị F0 thể nhẹ nhưng vẫn cố gắng giảng dạy theo hình thức trực tuyến cần phải được cảm thông, có phương án động viên, chia sẻ, dù chỉ bằng lời nói.

Với những trường hợp giáo viên mắc COVID-19 có triệu chứng nặng, không thể giảng dạy, nhà trường cần xem xét, đánh giá linh hoạt vì đây là sự việc ngoài mong muốn.

“Vụ việc nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, chắc chắn Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì và các cơ quan quản lý liên quan sẽ kịp thời đưa ra phương án điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp, cũng như chỉ đạo, rà soát các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn nhằm tránh những quy định chưa phù hợp với thực tế”, luật sư Trương Anh Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực