Chế tài xử lý hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả?

Thứ sáu, 01/07/2022 09:08
(ĐCSVN) - Ngày 30/6, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có Công văn 5673/QLD-CL gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mẫu thuốc Ophazidon giả. Đây là loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt (thành phần chính là paracetamol và cafein) chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.

Trước đó, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm tỉnh Cao Bằng tiến hành lấy mẫu xác định chất lượng của sản phẩm trên nhãn ghi: Viên nén Ophazidon; số đăng ký: VD-26803-17; số lô: 480821; ngày sản xuất: 17/8/2021; hạn sử dụng: 17/8/2023, Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội. Kết quả kiểm nghiệm, mẫu sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu định tính, định lượng (cafein) và định lượng (paracetamol). Qua xác minh, mẫu thuốc không đạt chất lượng này được xác định sản phẩm giả mạo.

Thông tin trên nhãn thuốc giả và thuốc thật khác nhau (Ảnh: Thu Trang)

Cụ thể, chữ in trên nhãn thuốc có phông chữ sai, khác so với thuốc thật. Đối chiếu vị trí trình bày số đăng ký và số lô sản xuất trên nhãn: Với thuốc giả có chữ “S” thẳng hàng với chữ “V”; trong khi thuốc thật chữ “S” lệch về bên trái chữ “V”. Ngoài ra, nhãn thuốc giả có chữ “X” thẳng hàng với chữ “D”; trong khi thuốc thật chữ “X” lệch về bên trái chữ “D”; thuốc giả có dấu “:” lệch về bên phải dấu “-”, còn thuốc thật có dấu “:” lệch về bên trái dấu “-”. Trên viên thuốc thật có khắc chữ “TK” nhưng hình ảnh trên viên thuốc giả chữ “TK” không sắc nét; màu sắc trên viên thuốc giả không đồng nhất.

Hiện trên thị trường Ophazidon là thuốc giảm đau do Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội sản xuất, đóng gói lọ gồm 100 viên nén, có thành phần chính Paracetamol, cafein. Thuốc có chỉ định với các trường hợp đau nửa đầu, nhức đầu, đau nhức toàn thân, viêm họng, viêm xoang, đau bụng kinh, sốt, viêm, đau răng…

Bên cạnh việc đề nghị Sở Y tế trên toàn quốc phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm Ophazidon giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên, Cục Quản lý dược cũng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn; xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả thông thường cũng đã là hành vi trái pháp luật, vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng khi đối tượng hàng hoá bị làm giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh thì nó lại là một vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều vì thuốc sẽ được sử dụng trực tiếp bằng các uống, bôi hoặc đưa vào cơ thể bằng tiêm, truyền.

Có những loại thuốc làm giả chỉ không chứa đúng khả năng phòng bệnh, chữa bệnh của thuốc song cũng có những loại còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thậm chí là tính mạng của người sử dụng.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 6 Chương I Luật Dược năm 2016 (Luật số: 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017) hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm, tuỳ theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các chủ thể có hành vi vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Mục 2 Chương II Nghị định 98/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 8 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với mức phạt từ 2 - 140 triệu đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10 - 200 triệu đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc), mức phạt với tổ chức vi phạm là gấp hai lần.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, cá nhân phạm tội tuỳ theo các tình tiết định tội, định khung như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; Giá trị của hàng hoá tính theo giá bán; Giá trị hàng hoá tính theo giá trị của hàng thật; Tỷ lệ thương tật gây ra cho người khác nếu có; Có gây ra chết người hay không... mà có thể phải đối mặt mức án từ 02 - 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình.

Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 01 - 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn.

Luật sư Trương Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực tiếp tục đối mặt và giải quyết những khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19, đã có rất nhiều người đã tử vong và còn nhiều người khác cũng đang đứng trên bờ vực của sự sống, vậy mà còn có các cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bằng cách sản xuất, buôn bán hàng giả, cụ thể ở đây là thuốc giả là điều không thể chấp nhận được.

Bất kể đó là loại thuốc bình thường hay thuốc đặc trị, đều có chung một đích cuối cùng là giúp bảo vệ, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh cho người dân. Tính mạng mỗi con người là vô cùng quý giá.

“Do đó, các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, hành vi vi phạm phải xử lý triệt để thông qua chế tài nghiêm khắc nhằm tạo tính răn đe”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực