Đốt rơm rạ ảnh hưởng đến an toàn hàng không có vi phạm pháp luật?

Thứ bảy, 19/11/2022 11:19
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, người dân các xã khu vực lân cận một số sân bay chính trên địa bàn toàn quốc lại tái diễn hành vi đốt rơm rạ khiến giảm tầm nhìn, va chạm trên không, va chạm dưới đất và hư hỏng trang thiết bị của cảng hàng không.

Một số ý kiến cho rằng, đốt rơm rạ ngoài việc giảm chi phí xử lý rơm sau thu hoạch, phần khác để tận dụng tro của rơm làm phân bón cho ruộng. Tuy nhiên, công đoạn này gây ô nhiễm về môi trường, làm xuất hiện khói bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Thế Hiển, Công ty TNHH luật Trường Sơn, trụ sở tại thành phố Hà Nội cho biết thực trạng trên tập trung tại cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và một số cảng hàng không, sân bay khác trên toàn quốc.

leftcenterrightdel
 Các xã Thanh Xuân, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) nằm giáp đường băng của cảng hàng không quốc tế Nội Bài còn nhiều ruộng đất làm nông nghiệp. Đốt rơm rạ tiềm ẩn nhiều nguy cơ uy hiếp an toàn bay. (Ảnh: vnexpress.net)

Thông thường, tháng 10 sau thu hoạch lúa vụ mùa, cánh đồng trơ cỏ dại và gốc rạ, người dân ra đồng dọn dẹp, chuẩn bị vụ tiếp theo, từ đầu tháng 11 đến tháng 5... và cách làm sạch ruộng thường áp dụng là đốt bỏ tất cả.

“Đảm bảo an toàn hàng không, an ninh quốc gia tại sân bay là trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có sân bay, cũng là trách nhiệm của người khai thác cảng hàng không, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bay và trách nhiệm của người dân. Văn bản quy phạm pháp luật đã quy định”, luật gia Hiển phân tích.

Về hình thức xử phạt, theo Khoản 1 Điều 41 Chương II Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Ngoài ra, Nghị định 162/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng nêu rõ, người vi phạm thậm chí sẽ đối mặt với mức phạt lên đến 10 triệu đồng đối với hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Thep luật gia Hiển, mặc dù lực lượng chức năng đã tuyên truyền đến người dân về nguy hại của việc đốt rơm rạ nhưng một số người dân thiếu ý thức, lợi dụng lúc trời tối, lực lượng chức năng về giao ca là lại đốt rơm rạ.

Do đó, thời gian tới, các cảng vụ hàng không, các cảng hàng không, sân bay tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến từng hộ gia đình, người dân thuộc địa bàn lân cận cảng hàng không, sân bay về mức độ ảnh hưởng của việc việc đốt rơm rạ, đồng thời tổ chức rà soát, đánh giá phạm vi ảnh hưởng, uy hiếp an toàn bay và có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động bay theo đúng quy định pháp luật.

“Những hành vi trên phải chấm dứt. Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ, đồng thời khuyến cáo việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, luật gia Hiển nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực